1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những người Việt Nam “bơi ngược dòng”

Viettel, Masan, VNG,… là những công ty Việt thắp lên hy vọng về giấc mơ cạnh tranh với những người khổng lồ thế giới với những sản phẩm đình đám, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao.

Từ phát ngôn "lẩm cẩm"

 

Trong một buổi gặp mặt Thủ tướng vài năm trước đây, Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Công ty cà phê Trung Nguyên phát biểu trước nhiều doanh nghiệp về một nước Việt Nam hùng mạnh với những doanh nghiệp có tầm vóc thế giới, doanh nhân này 3 lần bị vỗ tay “đuổi” xuống. Ra về sau buổi gặp hôm đó, một vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nói với phóng viên, ông hơi buồn khi chứng kiến cảnh này.

 

“Vũ nói đúng dù điều đó không dễ thực hiện. Nếu không ai tin là công ty Việt Nam có thể cạnh tranh được với những người khổng lồ của thế giới thì thật buồn. Tại sao người Việt Nam không dám mơ lớn?”, ông này băn khoăn.

 

Những người Việt
Những người Việt Nam “bơi ngược dòng”

 

Vào thời điểm đó, Viettel chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài và cũng ôm mộng trở thành một tập đoàn viễn thông tầm cỡ của thế giới. Những lãnh đạo tại Viettel tin rằng, người Việt Nam cũng có thể tạo nên những câu chuyện kinh doanh khiến thế giới phải học tập.

 

Năm 2009, khi Masan lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, vị chủ tịch công ty này (ông Nguyễn Đăng Quang) có những phát biểu khá lạ lùng.

 

Ông Quang nói về “niềm tin mãnh liệt vào giá trị Việt Nam” và “tin rằng người Việt Nam có thể chiến thắng, những người luôn nói "Được" và "Tìm cách để biến điều đó thành sự thực", những người luôn yêu quý và tự hào vì Tổ quốc mình và luôn sẵn sàng làm tất cả để vinh danh Việt Nam”. Những phát ngôn của Chủ tịch Masan bị không ít người coi là lẩm cẩm và không thực tế.

 

Cuối năm 2012, khi Công ty VNG quyết định đầu tư lớn, tự làm ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động có tên Zalo, không ít người cũng nghĩ ban lãnh đạo của công ty này hơi “khùng”. Với những sản phẩm công nghệ công cao, phải cạnh tranh không biên giới như ứng dụng tin nhắn miễn phí, việc đầu tư lớn tự sản xuất để cạnh tranh với những người khổng lồ thế giới (Viber, Wechat, Line, Kakao Talk…) có vẻ quá rủi ro và cơ hội thành công rất thấp. Đây là chưa kể đến việc VNG là người đi sau so với những công ty đã thành danh trên thế giới trong lĩnh vực này.

 

Lý giải cho lựa chọn hơi “khùng”, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG chia sẻ, nếu chỉ xét tới khía cạnh kinh doanh, VNG sẽ không đầu tư làm những sản phẩm công nghệ cao như Zalo hay Zing.

 

Đến những người lãng mạn làm kỹ thuật

 

“Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật”, ông Khải nói.

 

Viettel, Masan và VNG đều là những người “bơi ngược dòng”. Họ không chọn an toàn trong ngắn hạn mà chọn những thử thách cực lớn – điều mà hầu hết các doanh nghiệp khác ngại làm.

 

Thế nhưng, những thành tựu khó tin về đầu tư của Viettel tại Campuchia, Lào (chỉ sau 2 năm đầu tư, mạng do Viettel rót vốn đã trở thành hãng viễn thông số 1 về mọi mặt) là một minh chứng cho thấy người Việt Nam có thể vượt lên các tập đoàn viễn thông khổng lồ của nước ngoài.

 

Những năm gần đây, Viettel tiếp tục mở rộng đầu tư ra Haiti, Mozambique, Peru, rồi Cameroon…

 

Trong khi đó, Masan là một minh chứng khác về sức mạnh của người Việt trên thị trường nội địa. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thương hiệu Chinsu Foods đã trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt khi các tập đoàn lớn của nước ngoài như Unilever cũng phải kiêng nể. Masan là thương hiệu số 1 về nước mắm, nước tương, đồng thời tăng trưởng rất mạnh trong lĩnh vực mì gói so với công ty Nhật – Acecook.

 

Ngay cả khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, Masan Foods vẫn nhận được khoản đầu tư gần 160 triệu USD của Tập đoàn tài chính khổng lồ Kohlberg Kravis Roberts (KKR).

 

Trong năm 2012, Masan trở thành thương hiệu Việt Nam hiếm hoi thực hiện các vụ thâu tóm đính đám các công ty, dự án “khủng” của nước ngoài: mua Cám con cò (Proconco – giá gần 100 triệu USD); mua dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo (trị giá hàng trăm triệu USD từ Dragon Capital). Trước đây, chủ yếu chỉ có tập đoàn nước ngoài đi thâu tóm công ty trong nước chứ ít khi xảy ra chuyện ngược lại, đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn khủng hoảng.

 

Còn với VNG, sau những nghi ngờ về “người Việt có khả năng làm được sản phẩm công nghệ cao cạnh tranh với những người khổng lồ hay không”, câu trả lời đã có vào đầu năm 2013. Sau những khó khăn ban đầu, đầu tháng 1/2013, Zalo đã vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của Apple Store dành cho các ứng dụng mạng xã hội tại Việt Nam – điều được coi là rất khó tin với một sản phẩm công nghệ Việt.

 

Đầu tháng 3/2013, Zalo vượt mốc 1 triệu người sử dụng và trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động phổ biến nhất tại Việt Nam, vượt qua rất nhiều đối thủ sừng sỏ của thế giới. Cùng thời điểm này, chuyên trang công nghệ châu Á (Techniasia) xếp Zalo trong danh sách 11 ứng dụng di động sáng tạo nhất châu lục. Những “chiến binh” làm Zalo tại VNG bắt đầu nhìn thấy “con đường màu xanh” cho một sản phẩm công nghệ cao của người Việt.

 

Trên thực tế, thành công của Viettel, Masan hay VNG mới chỉ là bước đầu và còn rất nhiều thử thách ở phía trước. Việc thành công hay thất bại của họ vẫn là một ẩn số và chưa thể nói trước được điều gì kể cả khi niềm tự hào Việt đang ở thế mạnh.

 

Thế nhưng, những công ty như Viettel, Masan, VNG đang thắp lên hy vọng về một nước Việt hùng mạnh, với những công ty có khả năng cạnh tranh với những người khổng lồ của thế giới, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao.

 

Theo Nguyễn Hà

VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm