1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những ngân hàng nào bị "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như dắt mũi?

Sau 2 lần điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định số tiền thiệt hại của các ngân hàng do bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỉ đồng.

Những ngân hàng nào bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như dắt mũi?
Không chỉ ACB mà nhiều ngân hàng khác đang "tắc nghẹn" bởi miếng mồi lãi suất của Huỳnh Thị Huyền Như.

Phải thấy rằng, trong một năm đầy khó khăn, biến động của nền kinh tế thì bên những cú “sốc” tài chính kiểu như vụ Nguyễn Đức Kiên hay những tin đồn về ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch Hồi đồng Quản trị Sacombank)… và vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã tạo lên một cơn “địa chấn” không nhỏ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Huỳnh Thị Huyền Như – một người chức không to mà quyền cũng chẳng lớn lại có thể thực hiện được những hành vi phạm tội như vậy. Đặc biệt hơn khi nhiều đối tượng bị Như lừa đảo lại chính là các ngân hàng, doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra thì, vụ án được bắt đầu từ tháng 10/2011 các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải thông tin về việc Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí, một số tờ báo còn dựng lên hẳn một sơ đồ về các cách thức, thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này trong giới tiền tệ, chứng khoán…

Và khi mọi chuyện vẫn dừng ở mức “bán tín, bán nghi” thì cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố 2 đối tượng chính cầm đầu tổ chức tội phạm này là Huỳnh Thị Huyền Như – quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Ngân hàng Công thương, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) và Võ Anh Tuấn – nguyên phó giám đốc Ngân hàng Công thương, chi nhanh Nhà Bè.

Và sau khi dựng lại cơ bản toàn bộ vụ án, cơ quan điều tra nhận định, bản chất đây là một vụ vỡ nợ tín dụng đen, ở dạng mới lần đầu tiên xuất hiện.

Cụ thể: Cuối năm 2010, đầu 2011, sau khi được bổ nhiệm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, táo bạo, Như lần lượt làm giả 8 con dấu doanh nghiệp và 2 con dấu chức danh là: Ngân hàng Công thương, chi nhánh Nhà Bè; Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Phú Vinh; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát; Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên; Công ty Đức Minh Quang; Công ty An Lộc; Công ty Bảo hiểm toàn cầu; Công ty Chứng khoán Sài Gòn Beja; hai con dấu chức danh là Võ Tuấn Anh – Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhà Bè và Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Ngân hàng Công thương Nhà Bè.

Như và Tuấn đã trực tiếp dùng các hợp đồng giả (với con dấu giả, chức ký giả) huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán để vay vốn với những lời mời hết sức hấp dẫn như: Ngoài lãi suất 14% theo quy định còn trả thêm ngoài hợp đồng 8 – 10%/năm.

Với lòng tham lãi suất và kiếm tiền bằng mọi cách, các ngân hàng Tiên Phong, Công ty bảo hiểm Toàn Cầu… đều tin là hợp đồng thật, con dấu thật, tin là Như và Tuấn huy động vốn thật và đã làm theo sự sắp đặt của Như. Họ đã gửi tài liệu xin mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh để Như mở hộ (điều này đã tạo điều kiện cho Như làm giả chữ ký chủ tài khoản ngay từ khi mở tài khoản). Tiền cho vay gửi vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp cho phép Như tự trích. Sau khi tất toán hợp đồng thì tự hủy; hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được thế chấp vay vốn ở ngân hàng khác trừ Ngân hàng Công thương và chuyển tiền về những “địa chỉ” do Như sắp đặt.

Ngay sau khi nhận được tiền vay, Như chuyển tiền mặt và chuyển khoản trả sòng phẳng cho các cá nhân đã “tạo điều kiện” cho Như tại các ngân hàng, doanh nghiệp theo thỏa thuận. Khi tiền cho vay về tài khoản của doanh nghiệp, cá nhân tại Ngân hàng Công thương 2 chi nhánh Nhà bè và thành phố Hồ Chí Minh, Như không trích tiền đi đâu cả mà làm lệch chi tiền giả với con dấu giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, chỉ đạo nhân viên dưới quyền chuyển tiền long vòng qua nhiều tài khoản trung gian rồi rút ra chiếm đoạt, trả nợ cho các khoản mà Như đã lừa đảo, chiếm đoạt trước đó. Bởi Như đã gần như “kiểm soát” hoàn toàn tài khoản của doanh nghiệp gửi tiền. Bằng cách làm này, Như đã chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ các doanh nghiệp, ngân hàng…

Đáng lưu ý, nhờ được “chấp nối”, lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phấn Á Châu đã giao cho 19 nhân viên nhận ủy thác 769 tỉ đồng đem cho Ngân hàng Công thương, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh vay. Để nhận được mối “làm ăn” này, ngoài lãi suất 14%/năm theo quy định, Như còn trả chênh lệch cho Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu thêm 4 – 9%.

Với mức lãi suất hấp dẫn như vậy, một loạt các ngân hàng đã bất chấp quy định về ủy thác đầu tư, vi phạm nghiêm trọng điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, làm trái với Quy định 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay vốn và thực chất là mang tiền huy động được đi gửi lấy lãi. Nhưng nguy hiểm hơn, sau khi tiền được chuyển từ các ngân hàng vào tài khoản tiền gửi của các cá nhân này tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng (chính nhánh Ngân hàng Công thương thành phố Hồ Chí Minh, Như đã chỉ đạo nhân viên vừa lập sổ tiết kiệm vừa lập hợp đồng tiền gửi.

Trong đó, hợp đồng tiền gửi Như giao cho các cá nhân của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu để nộp về ngân hàng này, một số sổ tiết kiệm thì Như lập chứng từ giả chỉ đạo tất toán để rút tiền ra chiếm đoạt. Còn số tiền chưa lập sổ tiết kiệm thì Như ký giả lệnh chi tiền của chủ tài khoản, chỉ đạo nhân viên chuyển cho người thân, người giúp việc để trả nợ cho các món nợ của Như lừa đảo chiếm đoạt trước đó.

Bằng thủ đoạn này, Như và đồng bọn đã tham ô, lừa đảo chiếm đoạt được 769 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, 200 tỉ đồng của Ngân hàng Nam Việt, 180 tỉ đồng từ Ngân hàng Quốc tế, 550 tỉ đồng của Ngân hàng Tiên Phong…

Với những hành vi phạm tội như trên, sau 2 lần điều tra bổ sung, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như đã bị đề nghị truy tố thêm tội “Làm giả con dấu, tài liệu”.

Theo Thanh Ngọc
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm