1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những hàng quán không “trụ” nổi với giá

(Dân trí) - Giá cả nhiều mặt hàng cao đẩy không ít hàng quán gặp khó khăn trong kinh doanh: giữ giá thì lỗ mà tăng giá thì mất khách. Không ít tiểu thương phải nghỉ bán xoay xở cho mình bằng những công việc khác.

Từ ngày giá thịt tăng, chị Nguyễn Hồng Thanh, bán đồ ăn sáng ở ngay khu vực sinh sống (khu phố 3, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM) gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Hiện mỗi tô hủ tiếu, bún bò chị bán tăng từ lên 2.000 đồng. Số tiền này chẳng thấm tháp vào đâu so với giá thịt tăng ngoài thị trường. Lãi giảm, lượng khách cũng giảm hơn, tiền lời không đủ để “nuôi” quán, chi tiêu gia đình nên chị Thanh thông báo tuần tới sẽ nghỉ bán.

Những hàng quán không “trụ” nổi với giá - 1
Vắng khách, thu nhập từ hàng quán không đủ chi tiêu, chị Thanh đã thông báo tuần tới nghỉ bán.

“Trước mỗi sáng tôi bán được khoảng 60-70 tô các loại, giờ chỉ được phân nửa. Như hôm qua ế quá phải gọi mấy đứa cháu bên Gò Vấp xuống xách đồ ăn về giùm, hụt hết cả vốn”, chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, nhiều khách là chỗ quen biết nên rất thông cảm, song nhiều người dè sẻn chi tiêu hơn, thay vì ăn sáng ở ngoài thì ăn ở nhà cho tiết kiệm. Chị cho biết đang liên hệ với một số cơ sở may mặc để nhận hàng về nhà đính cúc, cườm thủ công kiếm tiền tạm thời, sau đó sẽ tính tiếp.

Tại chợ Ngã Tư Ga (Q.12), chị Út, bán hàng quần áo, không ngừng than thở với những người bạn hàng của mình. Trước đây, sau giờ làm, công nhân đổ xô đến mua sắm, chị phải nhờ cô cháu họ ra phụ giúp thì nay lượng khách giảm rõ rệt. “Bây giờ giá cả tăng, lãi phải giảm xuống mà bán cũng chẳng được bao nhiêu” - chị Út buồn bã.

Với việc kinh doanh của mình, trừ đi các khoản chi phí, trước kia, mỗi tháng chị Út kiếm được khoảng 4 triệu đồng. Thế nhưng từ ra Tết đến nay, thu nhập từ việc bán hàng của chị không đến 3 triệu đồng.

Dù đã gắn bó với cửa hàng này từ lâu nhưng khi việc kinh doanh không thể nuôi sống gia đình có ba người con đang tuổi ăn học, chị Út đang tìm công việc mới và đánh tiếng tìm người nhượng lại quán. “Những lúc buôn bán khó thế này sang quán cũng khó” - chị Út lắc đầu.

Những hàng quán không “trụ” nổi với giá - 2
Việc kinh doanh của nhiều hàng quán gặp khó khăn khi giá cả tăng.

Vợ chồng anh Thành, chị Phương (thuê trọ ở đường Phan Huy Ích, Q. Gò Vấp) sống bằng nghề bán giày dép trước khu công nghiệp Tân Bình hơn 5 năm nay. Mới đây, anh chị đã nghỉ bán, anh Thành chuyển sang làm nhân viên giao hành cho một công ty nội thất, còn người vợ đi thu mua đồng nát.

Anh Thành cho biết, cách đây vài năm, việc buôn bán hàng hóa ở vỉa hè tại khu công nghiệp làm ăn rất được, mỗi ngày vợ chồng anh thu lãi vài trăm nghìn, cuộc sống khá thoải mái. Nhưng rồi, tình hình khó khăn dần, thu nhập ngày càng giảm… khi công nhân bớt chi tiêu, cắt mua sắm, cũng như rất nhiều tiểu thương khác, họ đã phải nghỉ bán tìm công việc khác để mưu sinh.

Tại các chợ ở TP.HCM như Bà Chiểu, Gò Vấp, Tân Bình, Đa Kao… trong thời gian gần đây, thi thoảng lại xuất hiện tấm biển nghỉ hoặc đóng quán. Có sạp thì nghỉ theo ngày, chỉ bán vào cuối tuần khi có khách, nhiều sạp đóng cửa nghỉ luôn.

Theo các tiểu thương, giá cả tăng cao, việc kinh doanh khó khăn, ngay cả những giờ cao điểm cũng rất vắng khách. Nhiều hàng ế ẩm triền miên nên nhiều người phải tìm cho mình những công việc khác.

“Có người vẫn bán nhưng chỉ bán vào những giờ cao điểm, lúc có khách ra khách vào. Còn lại tranh thủ chạy thêm những công việc khác. Người thì đi bốc hàng, người đi xe ôm... chứ những lúc này mà trông vào hàng quán thì chết đói” - chị Quyên, bán đồ khô tại chợ Đa Kao cho hay.

Hoài Nam