Những gùi hàng “bình ổn” giá cho ngày Tết

(Dân trí) - Mặc cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở Phố núi, Gia Lai những ngày giáp tết “đội” lên khá cao, nhưng những gùi rau, quả của những người Bahnar và J’rai lại không thay đổi so với ngày thường.

Những gùi hàng “bình ổn” giá cho ngày Tết - 1
Những bó rau xanh ngon nhưng giá không tăng so với ngày thường

Đồng bào dân tộc thiểu số phần đông chưa có nhiều điều kiện để sắm sửa cho ngày Tết, nhưng họ cũng phải mua một ít bánh kẹo, vài lạng thịt… về cho gia đình. Và đương nhiên, họ cũng phải chịu “sức nóng” giá cả khi đi sắm Tết. Ấy vậy mà những gùi hàng Tết của họ lại được giữ nguyên như ngày thường, không lợi dụng sức mua nhiều để “đội” giá.

Những ngày này, khắp các chợ, đường phố ở Pleiku đều xuất hiện những gùi hàng “cây nhà lá vườn” của những người phụ nữ, trẻ em J’rai và Bahnar. Đó là những bó rau tươi sạch, những chùm sung đi hái xa nhà hàng chục cây số, những quả đu đủ hay vú sữa căng mọng mới hái trên cây… hàng hóa của họ cũng rất phong phú và đa dạng, đều do chính công sức của họ làm ra.

Và quan trọng hơn hết, họ bán “công sức” của mình bằng tấm lòng, bằng sự thật thà chất phác của mình. Dẫu biết xung quanh tất cả những hàng hóa đều được tăng gấp 2, thậm chí nhiều hơn nữa so với ngày thường nhưng họ vẫn giữ nguyên giá hàng hóa của mình, bán với 2.000 đồng một bó rau cải, cúc, dưa… 2.000 đông một quả vú sữa chín căng mọng…

Những gùi hàng “bình ổn” giá cho ngày Tết - 2
Gùi vú sữa chín mọng cũng chỉ được bán 2 nghìn đồng/trái

Chạy xe 40 km từ huyện Chư Păh lên chợ lớn bán rau, chị Ksor Hríu cho biết: “Ngày thường mình bán 2.000 đồng thì bây giờ mình cũng bán 2.000 đồng chứ. Mình bán rau để cho mọi người ăn Tết mà, mình bán giá vậy thôi, mình không bán hơn đâu”.

Đặt gùi rau xanh xuống, chị Kem thổ lộ: “Mình trồng rau vào đúng dịp này để bán đi mua bánh kẹo cho con ăn Tết. Hôm qua chồng mình đi mua nói giá đắt quá, chỉ mua được một ít thôi. Mình cũng không hiểu nữa, mình đi bán rau cũng 2.000 đồng một bó thôi, không tăng tiền đâu”.

Điều đặc biệt, để có những gùi hàng này, họ không chỉ bỏ công chăm sóc vất vả trên những mảnh đất đầy dốc lên xuống mà họ còn phải gùi hàng chục kg rau, quả đi hàng chục km từ khi trời sáng tinh mơ mới xuống được chợ.

Vất vả là vậy nhưng với họ ngày Tết vẫn luôn cười vui rộn ràng, bởi trong nhà đã có những bình rượu cần tự mình làm ra và những tiếng chiêng cùng điệu nhảy xoang cứ vang lên khắp núi rừng Tây Nguyên…

Thiên Thư