Những chuyện chưa từng kể về Huyền thoại con đường tiền tệ
(Dân trí) - Huyền thoại con đường tiền tệ với những câu chuyện về hào hùng mà xúc động lần đầu tiên sẽ được hé mở qua lời kể của những người trong cuộc vào đêm 17/4 tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, đêm hội ngộ của những nhân chứng lịch sử cùng những thế hệ cán bộ của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Huyền thoại con đường tiền tệ với những câu chuyện về hào hùng mà xúc động lần đầu tiên sẽ được hé mở qua lời kể của những người trong cuộc vào đêm 17/4 tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, đêm hội ngộ của những nhân chứng lịch sử cùng những thế hệ cán bộ của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng không khóa và con đường tuyệt mật
Từ năm 1945 đến năm 1954 được gọi là giai đoạn ngân hàng không khóa, khi ngành ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ của mình mà không có trụ sở. Tất cả tiền bạc đều gửi nhân dân giữ hộ, khi cần mới lấy lại, không bao giờ thiếu hụt một xu, một cắc, khi thiếu tiền thì viết giấy vay của nhân dân, hẹn kháng chiến thành công sẽ trả… Những đồng tiền Cụ Hồ vẫn như những dòng máu hồng, được nhân dân tin tưởng mến yêu, chảy vào khắp mọi miền vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm để góp phần giúp người dân sản xuất tăng gia, góp nguồn lực tài chính phục vụ cách mạng.
Giai đoạn 1954 -1975 chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ về đồng đô la trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến tiền và phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đó một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại đã được hình thành để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam. Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn chưa thể hiểu nổi, làm sao chỉ với số lượng người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc hậu, quá trình vận chuyển thô sơ mà hàng trăm triệu đô la của bạn bè quốc tế viện trợ cho nhân dân Việt Nam vẫn kịp thời vượt qua bom đạn, qua sự kiểm soát gắt gao của địch để đến các chiến trường ác liệt nhất ở miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh - Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường. Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt (AM) hết sức thô sơ, tốn kém, sau đó các cán bộ chiến sĩ ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM). Phương thức này giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.
Bên cạnh đó, còn có một “đường dây” bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế. Sau 10 năm làm nhiệm vụ, đến tháng 4/1975, các cán bộ chiến sĩ ngành Ngân hàng đã chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 1 tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, Kíp Lào, Bath Thái Lan… Tất cả số viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu.
Mạch nguồn “Con đường tiền tệ” đang tiếp tục
Theo đánh giá của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ ngành Ngân hàng rất âm thầm, lặng lẽ bởi mọi thứ luôn nằm trong tình trạng tuyệt đối bí mật, thế nhưng lại đóng góp rất quan trọng góp nên thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam lịch sử năm 1975”. Cũng chính bởi lẽ đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đơn vị B29, N2683 và C32 như những ghi nhận đối với sự cống hiến của thế hệ cán bộ ngân hàng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bởi để thực hiện nhiệm vụ này, không những chỉ có tấm lòng và của cải của nước bạn, của các nhà hảo tâm, mà còn của cả tài năng, ý chí và lòng trung thành tuyệt đối của các chiến sĩ – cán bộ ngành Ngân hàng”.
Sau giải phóng, “Con đường tiền tệ” vẫn được tiếp tục. Không còn chiến tranh, không còn bom rơi, đạn nổ, song hoạt động ngân hàng cũng không kém phần khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông và ý chí dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng đã lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần đưa Việt Nam từ một nước lạc hậu, nghèo nàn sau chiến tranh trở thành một nước có thu nhập trung bình và phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những khó khăn nội tại tích tụ từ nhiều năm qua để duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, giảm nhanh được mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá và tăng nhanh dự trữ ngoại hối nhà nước; thị trường vàng được quản lý chặt chẽ, các ngân hàng yếu kém và nợ xấu được xử lý một cách căn bản.
Những kết quả này đã thực sự góp phần quyết định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhân dân ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại con đường tiền tệ” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, HTV9 và một số Đài truyền hình địa phương trong khu vực vào 20h05 ngày 17/4 từ Hội trường Thống nhất, TPHCM. Tham dự đêm giao lưu nghệ thuật có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Ngân hàng, UBND TPHCM và đặc biệt có sự tham dự của rất nhiều nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên huyền thoại trên “Con đường tiền tệ”. Chương trình sẽ đem đến khán giả những câu chuyện bí mật và xúc động gắn với con đường huyền thoại lần đầu được công bố. Chương trình được thực hiện nhằm chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và 64 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2015). |