Nhu cầu mua nhà Hà Nội có một nửa tới từ dân ngoại tỉnh
(Dân trí) - Sếp của một đơn vị phân phối bất động sản tiết lộ, khách hàng tham gia thị trường hầu hết là người có nhu cầu về nhà ở, trong đó có tới hơn 90% khách hỏi mua là có nhu cầu thực. Đáng lưu ý, nhu cầu mua nhà của khách hàng ngoại tỉnh chiếm tới 50%.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Dưới 2 tỷ mua nhà: Như thế nào và ở đâu?” được tổ chức sáng nay (24/3), ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, theo xu hướng chung thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong năm 2015, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào loại bất động sản, vị trí của từng dự án đầu tư.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Có những con đường rất... kỳ lạ ở Hà Nội |
Về nhu cầu mua nhà, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam nhìn nhận, thị trường đã đi qua giai đoạn cực kì đen tối – với đáy của thị trường rơi vào khoảng cuối năm 2012 đầu năm 2013. Hiện đang là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ mới, bản thân khách hàng tham gia thị trường là người có nhu cầu về nhà ở, trong đó có tới hơn 90% khách hỏi mua là có nhu cầu thực.
Theo ông Toản, mọi người đều rất hào hứng kỳ vọng thị trường sẽ sôi động và tăng giá hơn nữa. Từ quý II/2014, các chủ đầu tư có quỹ đất đều đã bung ra khởi động, khởi công dự án kéo theo nguồn cung thị trường dự báo sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Tính riêng ở Hà Nội, hàng năm ngoài vấn đề tăng dân số tự nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp ở lại kiếm việc làm, di dân tự do, mở rộng địa giới và nhu cầu đầu cơ cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu mua nhà.
“Nhu cầu mua nhà của đối tượng khách hàng ngoại tỉnh chiếm tới 50%, tôi thường nói vui rằng giờ hỏi trưởng phòng 1 sở của 1 tỉnh bất kỳ ở miền bắc sẽ có nhà ở Hà Nội. Nhân viên kinh doanh tại chỗ tôi khi muốn tìm kiếm khách hàng tỉnh ngoài sẽ xin danh bạ điện thoại các cơ quan nhà nước để gọi sếp khai thác. Còn một điểm nữa là tỷ lệ người miền Trung sở hữu nhà ở Hà Nội cũng rất lớn, đặc biệt là ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá có công việc ở Hà Nội”, ông Toản nói thêm.
Tuy nhu cầu còn rất lớn nhưng không phải người lao động nào ở Hà Nội cũng có điều kiện thu nhập đủ tích luỹ để mua nhà. Đối với vấn đề này, đại diện từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bất động sản nói chung ở Việt Nam hiện nay so với thu nhập bình quân của người dân hiện đang có sự chênh lệch khá lớn, đây là một thực tế. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố.
“Thứ nhất, thu nhập của người dân đang tăng nhưng tốc độ tăng không nhanh trong khi giá cả theo mặt bằng chung của thế giới luôn tăng nhanh hơn. Việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật làm giảm giá thành bất động sản còn hạn chế. Mặt khác, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế minh bạch và bản thân doanh nghiệp cần ý thức được sự minh bạch như vậy giá cả mới được thể hiện rõ ràng và là cơ sở để giảm giá, đưa giá bất động sản về giá trị thực của nó”, ông Quang nói.
Đại diện phía doanh nghiệp thì cho rằng, giá nhà cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí xây dựng (bao gồm tiền đất, chi phí xây dựng và các chi phí ngầm chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí xây dựng căn hộ). Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ chênh lệch về cung cầu như: cầu cao hơn cung, tình trạng đầu cơ tích trữ đã đẩy giá nhà cao hơn giá thực tế…
“Có rất nhiều yếu tố để đưa giá nhà hạ xuống nhưng theo tôi, quan trọng nhất đó là minh bạch vấn đề chi phí và chủ đầu tư cần bỏ được các chi phí ngầm. Bên cạnh đó áp dụng các công nghệ mới trong xây dựng. Thêm vào đó, muốn giá nhà thấp xuống thì cũng cần minh bạch hơn nữa trong quá trình phân phối sản phẩm, tránh tình trạng thổi giá bất động sản, tạo khan hiếm giả tạo”, vị này phát biểu.
Phương Dung