Nhộn nhịp công trường điện gió sau Tết, Sóc Trăng chuẩn bị đón gió từ biển

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Sau những ngày nghỉ Tết, trên các công trường điện gió ở Sóc Trăng trở lại nhộn nhịp với tiếng người, tiếng xe, tiếng máy... vang lên để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các nhà máy vào vận hành.

Tại công trường xây dựng Nhà máy điện gió Quốc Vinh ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), không khí xây dựng rất khẩn trương với nhiều công nhân cùng các phương tiện thi công đang đồng loạt nổ máy rền vang.

Một cán bộ của Nhà máy điện gió Quốc Vinh cho biết, sau những ngày nghỉ Tết, đội ngũ cán bộ, công nhân của nhà máy đã có mặt, bắt tay vào làm việc nghiêm túc với khí thế sôi nổi, hăng say. Hiện đơn vị đã cơ bản hoàn thành hệ thống cầu, đường nối từ quốc lộ Nam sông Hậu vào công trình, cũng như đường nối giữa các công trình với nhau để vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và đang thi công một số hạng mục như nhà vận hành, các móng trụ gió....

Được biết, dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có tổng công suất 129 MW. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 30 MW, với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2021; giai đoạn 2 có công suất 99 MW, với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.

Theo cán bộ nhà máy, khi Nhà máy điện gió Quốc Vinh hoàn thành, không chỉ mang lại lợi ích tăng thêm nguồn điện sạch cho đất nước, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, hỗ trợ năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Sóc Trăng.

Nhộn nhịp công trường điện gió sau Tết, Sóc Trăng chuẩn bị đón gió từ biển - 1
Nhộn nhịp công trường điện gió sau Tết, Sóc Trăng chuẩn bị đón gió từ biển - 2

Một công trình nhà máy điện gió ở Sóc Trăng đang thi công.

Ở công trường xây dựng nhà máy điện gió tại phường Vĩnh Phước của Tập đoàn năng lượng Banpu cũng rất sôi nổi. Một cán bộ nhà máy cho biết, cán bộ, công nhân của đơn vị đang khẩn trương thi công tuyến đường nội bộ của nhà máy, dự kiến sẽ bắt đầu dựng các trụ turbine gió trong quý I/2021 và mong muốn giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào vận hành trước tháng 5/2021.

Tại Nhà máy điện gió Lạc Hòa ở bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa và phường 2 (TX. Vĩnh Châu), chủ đầu tư đang khẩn trương thi công phần đường vận chuyển, nhà điều hành và trạm biến áp. Dự án này có tổng công suất giai đoạn 1 là 30 MW, lắp đặt 8 turbine gió.

Dự kiến lô hàng đầu tiên gồm toàn bộ phần bu lông, móng sẽ về đến công trường vào những tháng đầu năm 2021, đến 5 tháng sau các turbine gió cũng sẽ được đưa vào công trường để lắp đặt.

Nhộn nhịp công trường điện gió sau Tết, Sóc Trăng chuẩn bị đón gió từ biển - 3
Nhộn nhịp công trường điện gió sau Tết, Sóc Trăng chuẩn bị đón gió từ biển - 4

Các dự án điện gió đều được đẩy nhanh tiến độ.

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho biết, tính đến giữa tháng 12/2020, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã có 7 dự án điện gió được khởi công và thi công. Các nhà đầu tư đang thi công các hạng mục đúng tiến độ cam kết và dự kiến sẽ đưa các dự án vào vận hành trước tháng 10/2021.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Sóc Trăng và các sở, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có hơn 43km bờ biển, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch với 18 dự án điện gió (chiếm 85,7% các dự án toàn tỉnh). Điện gió đang được xem là động lực quan trọng để Vĩnh Châu vươn lên. Bên cạnh việc tận dụng nguồn tài nguyên gió một cách hiệu quả, đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương diễn ra thuận lợi, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, năng lượng tái tạo là một trong những nội dung được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 thống nhất xem là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn và bền vững trên nhiều lĩnh vực Ngoài ra còn bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực ĐBSCL, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả khu vực.