Nhóm người Trung Quốc làm thẻ giả chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Bộ Công an, cho biết đã phát hiện ra nhóm đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với một số đối tượng làm thẻ giả, thanh toán “khống” qua POS để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và chủ thẻ.
Cụ thể, một nhóm người Trung Quốc có nhiệm vụ chuyên móc nối với người Việt đã học tập, công tác, làm ăn biết tiếng Trung Quốc để thỏa thuận về việc thanh toán “khống” hàng hóa, dịch vụ qua máy POS.
Hoặc họ tìm các đối tượng người Việt Nam có quan hệ quen biết từ trước dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty, ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ với các NHTM Việt Nam.
Nhóm người Trung Quốc làm thẻ giả
“Thông tin thẻ thường là thẻ tín dụng được phát hành bởi các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu được một nhóm hacker ở Trung Quốc lấy cắp từ cơ sở dữ liệu của các trang web bán hàng trực tuyến, các website của trung tâm thương mại lớn ở nước ngoài chuyển qua các mạng xã hội như chat QQ, wechat đến nhóm kỹ thuật ở Việt Nam”, đại tá Doanh cho biết.
Sau đó, các đối tượng thường yêu cầu đăng ký sử dụng máy POS không dây để trên xe ô tô hoặc đưa cho đối tượng người Trung Quốc mang sang khu vực chồng lấn sóng viễn thông ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc để thực hiện giao dịch bằng thẻ giả.
“Có vụ án đối tượng người Trung Quốc yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ chuẩn bị trước tiền mặt và nhận ngay tiền sau khi giao dịch thành công, không chờ báo “có” hoặc rút tiền từ ngân hàng”, đại tạ Doanh cho biết.
Ngoài ra, đơn vị chấp nhận thẻ này chuẩn bị sẵn tài khoản để chuyển tiền hoặc chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng đổi tiền tại các “chợ đổi tiền” ở khu vực biên giới để chuyển sang Trung Quốc.
“Một số đơn vị chấp nhận thẻ cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc soạn sẵn hợp đồng kinh doanh buôn bán một số mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trầm hương... sau đó xuất hóa đơn GTGT như buôn bán bình thường”, đại tá Doanh cho biết.
Một số doanh nghiệp kinh doanh khung cửa sắt, cửa kính nhưng vẫn ký hợp đồng đơn vị chấp nhận thẻ của các NHTM, yêu cầu cung cấp POS không dây sau đó chuyển cho nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng.
“Một số đơn vị chấp nhận thẻ tại Hà Nội sau khi ký hợp đồng lắp POS không dây nhưng sau đó đưa cho người quen mượn để thanh toán. Khi có yêu cầu tra soát hoặc khiếu nại không thể xác định được vị trí của POS, sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ gì đặc biệt có đơn vị chấp nhận thẻ cho người quen trên mạng mượn để thanh toán, sau đó nhận hoa hồng do sử dụng POS hàng trăm triệu đồng”, đại tá Doanh cho biết.
Thuê người mở tài khoản để chuyển tiền lừa đảo
Đại tá Doanh cho biết thêm, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn lập website, gửi đường link Phishing, giả danh ngân hàng chiếm đoạt tài khoản Internet Banking và chuyển tiền.
“Trong thời gian gần đây hình thức tội phạm này diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng với nhiều thủ đoạn”, đại tá Doanh cho biết.
Ví như, đối tượng lừa đảo lập các website trúng thưởng gửi tin nhắn qua facebook, zalo, viber...thông báo cho chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị lớn đề nghị truy cập vào các website để đăng ký nhận giải hoặc lập các website giả mạo website của ngân hàng, gửi link thông báo tài khoản của khách hàng có tiền chuyển vào nhưng bị lỗi cần phải cung cấp thông tin để kiểm tra.
Các đối tượng sử dụng các thông tin người bị hại đã cung cấp để thực hiện thanh toán mua mã thẻ điện thoại, thẻ game trên các website bán trực tuyến hoặc chuyển tiền sang các tài khoản trung gian để rút tiền hoặc thuê người rút tiền trong và ngoài nước.
Khi mã xác thực OTP gửi về điện thoại, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo đã gửi mã trúng thưởng để xác thực, đề nghị người bị hại cung cấp để hoàn tất thủ tục.
Đại tá Doanh còn lưu ý hiện tượng mua thuê người mở tài khoan để nhận chuyển tiền lừa đảo. Do hiện nay không qui định một người được mở bao nhiêu tài khoản tại một ngân hàng, nên tình trạng thuê, mua lại các tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các mục đích chuyển, nhận tiền do các hành vi lừa đảo, phạm tội mà có ngày càng diễn biến phức.
“Các tài khoản này đều được các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước thuê người mở tài khoản với giá từ 1-2 triệu/tài khoản. Sau khi mở tài khoản chủ tài khoản đưa thẻ ngân hàng, thông tin user, mật khẩu internetbanking cho các đối tượng Trung Quốc sử dụng để chuyển, nhận tiền. Hiện chưa có chế tài xử lý đối với những người mở tài khoản để bán, cho thuê tài khoản để nhận tiền lừa đảo”, đại tá Doanh cho biết.
Đại tá Doanh nói thêm, nhiều vụ việc các tài khoản được thuê mở, sau đó sử dụng vào việc chuyển, nhận tiền từ việc mua, bán tiền điện tử như bitcoin, onecoin, WMZ, hoặc chuyển, nhận tiền cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng. “Số tiền này sau khi chuyển vào tài khoản sẽ được rút hết ngay hoặc chuyển tiếp tới nhiều các tài khoản”.
Theo Trần Giang
Dân Việt