NHNN: “Việt Nam đã sẵn sàng cho sáp nhập ngân hàng”
(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong năm nay, NHNN có thể thực hiện các biện pháp để buộc sáp nhập và mua lại trong một vài trường hợp cần thiết, phù hợp với những quy định tại Luật NHNN Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ hôm nay (29/2) đưa tin về nội dung phỏng vấn đối với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, cho biết, cơ quan này đã sẵn sàng cho việc sáp nhập ngân hàng và giữ chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt để vượt qua cuộc khủng hoảng tín dụng, vốn đã khiến hàng ngàn công ty trong nước buộc đóng cửa.
Theo đó, “NHNN có thể thực hiện các biện pháp để buộc sáp nhập và mua lại trong một vài trường hợp cần thiết, phù hợp với những quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, Phó Thống đốc khẳng định.
Hiện, Việt Nam đang từng bước nỗ lực tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn vì nợ xấu – hệ quả của tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong nhiều năm. Thâm hụt thương mại và lạm phát ở mức cao nhất châu Á đã khiến người dân ưu tiên gửi tiết kiệm ngắn hạn và nguồn tiền này lại được ngân hàng sử dụng cho vay dài hạn.
Trước tình trạng đó, NHNN trong tháng này đã yêu cầu một số ngân hàng không được phép tăng trưởng tín dụng năm 2012. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các ngân hàng phải giải quyết dứt điểm thanh khoản ngay trong quý đầu tiên.
Bloomberg cũng dẫn nhận định của nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, “NHNN nên quyết liệt hơn trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Và sẽ là mối nguy cơ cho sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế nếu quá trình tái cơ cấu ngân hàng không thực hiện đúng cách.”
Về phía NHNN, ông Tiến cho biết, với nhiệm vụ tập trung vào việc cải thiện tài trợ vốn trong hệ thống, trong năm nay, NHNN sẽ cho phép thực hiện sáp nhập - mua lại “một cách tự nguyện”, bao gồm việc cho sáp nhập các ngân hàng yếu kém lại với nhau.
Hồi tháng trước, ngân hàng UBS AG cũng đã từng đưa ra nhận định, việc sáp nhập của ba ngân hàng Việt Nam trong năm 2011 dưới sự giám sát của một ngân hàng quốc doanh đã “báo hiệu trước một mô hình cho quá trình hợp nhất các ngân hàng”.
Theo đó, 3 ngân hàng chưa niêm yết là NHCP Đệ Nhất (Ficombank), NHCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), và NHTMCP Sài Gòn (SCB) đã tự nguyện hợp nhất để giải quyết vấn đề khó khăn thanh khoản và cắt giảm chi phí.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành quỹ Dragon Capital tại TPHCM cho rằng, “các ngân hàng đã hoặc sẽ bị giao chỉ tiêu không được tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ phải làm một điều gì đó. Vì nếu không thể tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng sẽ khó mà tồn tại”.
Trong số 50 ngân hàng của Việt Nam hiện nay có 5 ngân hàng quốc doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Năm ngân hàng lớn nhất có tổng tài sản 63 tỷ USD (tính đến thời điểm 30/9). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các khoản nợ xấu lại có thể gấp 3 lần con số ước tính chính thức, theo Capital Economics.
NHNN năm vừa rồi đã tăng một số lãi suất chủ chốt nhằm kiềm chế lạm phát trong khi vẫn cố gắng đảm bảo đủ luồng tín dụng cho các doanh nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, ước tính của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, khoảng 150.000 công ty, chiếm 1/3 tổng số công ty trên toàn quốc, phá sản hoặc đóng cửa do khó khăn tài chính hồi năm ngoái.
Tháng trước, cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia thông báo có thể cắt giảm lãi suất sau quý I, tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam cẩn trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.
Theo ghi nhận của Bloomberg, cổ phiếu của 7 ngân hàng TMCP đã tăng giá trong ngày hôm nay. Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) tăng 4,7%, Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tăng 4,7% và cổ phiếu ngân hàng Á Châu (ACB) tăng 2,2%. Cùng với đó, chỉ số trên sàn HoSE cũng tăng 0,3% trong ngày.
Bích Diệp
Theo Bloomberg