Nhìn lại năm 2011 của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett

(Dân trí) - Năm 2011 là một năm bận rộn đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Trang The Street đã điểm lại những hoạt động của tỷ phú này được giới truyền thông và dư luận theo dõi kỹ nhất trong 12 tháng qua.

Nhìn lại năm 2011 của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - 1
Năm 2011 là một năm bận rộn đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.
 
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng, các vụ thâu tóm là một trọng tâm chiến lược năm nay của Berkshire Hathaway, “đế chế” do Buffett sáng lập và đang nắm giữ ghế Giám đốc điều hành (CEO).

 

Ngay từ đầu năm, trong là thư gửi cổ đông, Buffett đã dành thời gian để nói nhiều về triển vọng hoạt động thâu tóm của công ty. Với dự trữ tiền mặt khổng lồ trong tay, Buffett đã tích cực tìm kiếm các cơ hội mua lại trên thị trường toàn cầu trong suốt năm.  Và “chuyến đi săn” này của ông có vẻ thành công.

 

Thương vụ mua lại lớn đầu tiên mà Buffett thực hiện trong năm nay là vụ mua lại công ty sản xuất hóa chất Lubrizol với giá 9 tỷ USD. Sản xuất nhiều sản phẩm sử dụng trong một loạt lĩnh vực mà giới đầu tư quan tâm, Lubrizol được xem là một sự bổ sung tốt đối với danh mục của Berkshire Hathaway.

 

Sau vụ mua Lubrizol, Berkshire Hathaway tiếp tục tuyên bố sẽ mua nốt số cổ phần 19,9%  của Wesco Financial với giá khoảng 548 triệu USD.

 

Trong 6 tháng cuối năm, tốc độ của các vụ mua sắm mà Buffett thực hiện mới thực sự được đẩy mạnh. Trong một sự chuyển hướng chiến lược đầu tư mạnh mẽ, Buffett “rút ví” 10 tỷ USD để mua cổ phần của tập đoàn IBM, đánh dấu lần đầu tiên tỷ phú này rót vốn vào một hãng công nghệ.

 

Tuy nhiên, thương vụ IBM chỉ là một trong số một loạt thương vụ mà Buffett thực hiện trong quý 3 vô cùng bận rộn của ông. Theo giới phân tích, trong vòng 3 tháng kết thúc vào ngày 30/9, nhà đầu tư huyền thoại đã chi gần 24 tỷ USD cho hoạt động mua lại, đưa quý này trở thành quý có mức chi tiêu tiền mặt mạnh nhất của Buffett trong vòng 15 năm.

 

Mới đây, Buffett tiếp tục mua lại tờ báo Omaha World-Herald, đồng thời mua thêm cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Điều này cho thấy, Buffett vẫn chưa sẵn sàng kết thúc “chuyến đi săn” này.

 

Không chỉ gây chú ý vì hoạt động thâu tóm, Buffett còn xuất hiện trên báo nhiều trong năm nay vì những quyết định kinh doanh táo bạo.

 

Trong tháng 8, Buffett bơm cho ngân hàng gặp khó Bank of America 5 tỷ USD tiền mặt. Đây không phải là lần đầu tiên người giàu thứ nhì nước Mỹ có hành động “hiệp sỹ”. Năm 2008, ông từng có động thái giúp đỡ bằng tiền mặt tương tự đối với ngân hàng Goldman Sachs và tập đoàn công nghiệp General Electric.

 

Tuy nhiên, những thỏa thuận này đều đi kèm với điều kiện. Để nhận được tiền mặt của Buffett, Bank of America phải đổi bằng cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức hấp dẫn 6%. Ngoài ra, Buffett còn được nhận số chứng quyền để mua 700 triệu cổ phiếu Bank of America với mức giá khá “bèo” là 7,14 USD/cổ phiếu trong thời hạn 10 năm.

 

Có thể nói, tiền của Buffett đã đóng một vai trò lớn trong việc giúp cho Goldman Sachs và General Electric thoát khỏi nguy cơ suy sụp hồi năm 2008. Tuy nhiên, sau thỏa thuận với Buffett, Bank of America vẫn trong tình trạng chật vật và giới đầu tư vẫn đang chờ xem liệu ngân hàng này có thể hồi phục trong thời gian tới.

 

Một động thái gây ngạc nhiên khác của Buffett năm nay là việc ông chuẩn bị mua lại cổ phiếu hạng A và B của Berkskhire Hathaway. Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ của Buffett kể từ khi ông giữ ghế CEO của tập đoàn này. Một số người tỏ ý lo ngại rằng “nhà tiên tri của Omaha” đã cạn kiệt ý tưởng, nhưng một số khác lại xem đây là một tín hiệu cho rằng Berkshire Hathaway đang được định giá thấp hơn giá trị thực. Và công ty của Buffett tự tin khẳng định họ đáng giá hơn mức giá cổ phiếu hiện tại.

 

Câu chuyện khác mà Buffett khiến báo giới tốn giấy mực năm nay là chuyện người kế nhiệm ông tại Berkshire Hathaway. Việc David Sokol - Chủ tịch MidAmerican Energy Holdings Company, một công ty con của Berkshire Hathaway, và được coi là người sẽ được Buffett chọn làm người kế nhiệm - bất ngờ từ chức khiến giới đầu tư rơi vào cảnh “không biết đâu mà lần”. Một số nguồn tin cho rằng, Sokol phải ra đi vì liên quan tới giao dịch nội gián, vi phạm các quy định về đạo đức của công ty.

 

Sự ra đi của Sokol châm ngòi cho cuộc tranh cãi về kế hoạch người kế nhiệm của Buffett.

Sau đó, Buffett đưa một nhân vật mới là Ted Weschler vào đội ngũ lãnh đạo cốt cán của Berkshire Hathaway. Cùng với một nhân vật quan trọng khác về đầu quân cho “đế chế” này từ năm ngoái là Todd Combs và có thể một gương mặt khác nữa, Weschler sẽ chia sẻ trọng trách quản lý danh mục đầu tư cho Buffett.

 

Buffett cũng tuyên bố, con trai cả của ông là Howard Buffett sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch không điều hành của Berkshire Hathaway sau khi ông về hưu. Ở vai trò này, Buffett con sẽ chịu trách nhiệm duy trì văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn và sẽ không tham gia vào việc ra quyết định điều hành hoạt động hàng ngày.

 

Một câu chuyện “nóng” nữa xung quanh Buffett năm nay là việc ông tham gia vào cuộc tranh luận về chính sách thuế của nước Mỹ. Trong một bài viết trên tờ New York Times, tỷ phú này đã gây sốc bằng dòng tít: “Stop coddling the super-rich” (tạm dịch: “Hãy thôi chiều chuộng những người siêu giàu”). Nội dung bài báo thúc giục các nhà làm luật Mỹ tăng thuế đánh vào những cá nhân giàu có nhất ở nước này.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Buffett lên tiếng ủng hộ chuyện tăng thuế đánh vào người giàu. Nhiều năm trước, chính ông đã lên tiếng về việc ông được hưởng mức thuế suất thấp hơn thư ký của ông.

 

Tuy bị nhiều người phản đối kịch liệt, nhận định về thuế của Buffett xem ra đã có ảnh hưởng lớn tới Washington. Vài tuần sau bài báo của ông trên New York Times, Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch giảm ngân sách trong đó có nội dung kêu gọi tăng mức thuế suất tối thiểu đánh vào những người có thu nhập cao nhất.

 

Phương Anh
Theo The Street