Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có "một không hai" ở Tây Nguyên

“Tôi bắt nhộng muồng này để bán 160.000 đồng/kg, ngày may mắn có khi kiếm được 4 đến 5kg. Bắt sâu thì dễ, bắt nhộng thì khó, bắt đầy thùng nhỏ này chắc cũng được 7kg” - chị Nguyễn Thị Oanh Thắng nói.

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 1

Bà con đi bắt nhộng muồng 

"Nếu không đem nhộng muồng luộc sớm, để lâu nó sẽ lột xác thành bướm. Có khi bắt nhộng về tối quá, tôi để dành mai luộc và kết quả buổi sáng thức dậy bỗng phát hoảng khi có một đàn bướm bay đầy nhà..." - người phụ nữ dí dỏm nói.

Mới sớm tinh mơ, chúng tôi theo chân một đoàn người lần qua một loạt cung đường đất gập ghềnh đầy đá, sỏi mà vẫn chưa thấy đến địa điểm để bắt thứ mà dân ở đây thường gọi là đặc sản có “một không hai” của  vùng Tây Nguyên. Chúng sốt ruột hỏi: “Sao mãi chưa đến nơi vậy các chị, đi xa quá có khi quên cả lối về mất !?”.

“Chưa đâu các em, những rẫy cà phê trong thôn mọi người đua nhau bắt sạch rồi, phải đi xa hơn dò hỏi kỹ, xem chỗ nào chưa có người đến bắt, ở đó mới còn nhiều. Mọi người không phải sợ lạc, vùng này tụi chị thông thuộc cả, bắt từ sáng đến chiều tối vẫn cứ mò được đường về nhà. Chỉ sợ mình không bắt được số lượng như mong muốn, lại tốn công mất sức.”, Trần Thị Hải (ngụ thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông) trả lời.

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 2

Người dân xã Hòa Thắng, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) kéo nhau săn nhộng muồng từ sáng sớm đến tận chiều tối mới trở về nhà. Ảnh: B.T

Thời điểm này, người dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) kéo nhau đi bắt nhộng sâu muồng (hay nhộng muồng) để bán hoặc sơ chế, cất lại ăn dần. Loài này chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên vào tháng 3, 4 trong năm nên người dân ở đây tranh thủ thời gian, bỏ cả việc đồng áng để đi bắt. Lẽ tất nhiên, đã gọi loài này là “đặc sản” thì mặc định bán được giá, ăn có mùi vị thơm ngon mới đủ sức hấp dẫn để dân tình nơi đây bỏ công cán cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày đi săn lùng.

Đi một hồi lâu mới tìm được một “vựa” nhộng muồng ưng ý, chị em trong đoàn chia ra khai thác, dặn dò nhau phải bắt cho kỳ hết khu vực này mới trở về. Trước khi đi, mỗi người đã chuẩn bị sẵn một thùng sơn (qua sử dụng) cỡ nhỏ để chứa nhộng muồng.

Tìm được “vựa” nhộng muồng đã khó, gỡ chúng ra khỏi tán lá cũng mệt mỏi không kém, phải cẩn thận, gỡ kén trước nếu không sẽ rất dễ vỡ. Nhộng này do những con sâu muồng già hóa thành, sau ít ngày nhộng sâu sẽ lột xác thành bươm bướm. Vì vậy, người dân thường bắt cả sâu lẫn nhộng.

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 3
Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 4

Lùng sục khắp rẫy cà phê để săn nhộng muồng. Ảnh: B.T
 

“Tôi bắt nhộng muồng này để bán, 160.000 đồng/kg, ngày may mắn có khi kiếm được 4 đến 5kg. Bắt sâu thì dễ, bắt nhộng thì khó, bắt đầy thùng nhỏ này chắc cũng được 7kg. Về đến nhà, phải tách nhộng và sâu ra ngay, nhộng thì đem luộc lên rồi cất đem bán, còn sâu thì phải chờ để nó chuyển thành nhộng. Nếu không đem nhộng luộc sớm, để lâu nó sẽ lột xác thành bướm. Có khi bắt nhộng về tối quá, tôi để dành mai luộc và kết quả buổi sáng thức dậy bỗng phát hoảng khi có một đàn bướm bay đầy nhà.” - chị Nguyễn Thị Oanh Thắng (ngụ khu vực trên) dí dỏm kể.

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 5
Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 6

Bắt nhộng muồng phải kéo tay, kiên trì và chịu khó. Ảnh: B.T

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 7

Nhộng muồng có giá khá cao vì chỉ xuất hiện vỏn vẹn 2 tháng trong năm. Ảnh: B.T

Chúng tôi cũng tranh thủ bắt một ít nhộng muồng về chế biến, ăn thử. Cách làm món này khá đơn giản, chỉ cần luộc sơ qua nhộng muồng rồi nêm gia vị, chiên qua khoảng 15p là có thể thưởng thức. Nếu muốn món ăn thơm, đậm vị ta có thể cho thêm vào một chút lá chanh thái nhỏ.

Nhìn hốt hoảng tưởng sâu hóa ra đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên - 8

Nhộng muồng sau khi được chế biến. Ảnh: B.T

Nhuộng muồng mùa này ở khắp Tây Nguyên, tỉnh nào cũng có, người đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi "săn" nhộng muồng ngoài việc bán kiếm tiền còn tích trữ ăn dần trong nhiều tháng.

Theo Bảo Trung

Lao động