Nhìn đúng nguyên nhân để giải bài toán lạm phát

Do không xác định đúng và đầy đủ nguyên nhân nên Việt Nam đã lạm dụng nhiều giải pháp tình thế, không cơ bản để chống lạm phát.

Sau cơn khủng hoảng lạm phát vào những năm cuối 1980 đầu 1990, giá cả chung ở VN đã duy trì ổn định với tỉ lệ lạm phát bình quân chỉ trên 3% trong những năm 1996-2003.

Tuy nhiên, những năm gần đây lạm phát xuất hiện trở lại, đỉnh cao là mức lạm phát lên tới 9,5% năm 2004 và duy trì ở mức cao cho đến thời điểm này.

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, lạm phát ở VN lại tăng phi mã và có khả năng lên tới 2 con số.

Tại hội thảo giá cả cuối năm 2007, giáo sư Kenichi Ohno và nhóm kinh tế vĩ mô tài chính của Vietnam Dragon Fund Limited (VDF) cho rằng, lạm phát của VN ở mức thấp hơn hoặc xấp xỉ 10% không phải là thảm họa kinh tế vĩ mô và có thể chấp nhận được nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Do chính sách bất cập

Theo giáo sư Kenichi Ohno và nhóm kinh tế vĩ mô tài chính của VDF, hiện VN đang có mức lạm phát cao nhất trong các nước Đông Á mới nổi. Không thể giải thích giá trong nước tăng do nhân tố toàn cầu.

“Cú sốc” về giá lương thực và dầu mỏ cũng tồn tại ở VN lâu hơn các nước châu Á khác. Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, nhân tố tiền tệ là một yếu tố quyết định quan trọng đến lạm phát của VN những năm qua.

Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ Công Thương, cho rằng đây là hậu quả của quá trình điều hành một nền kinh tế thiếu sự đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành và một số quyết định đưa ra không đúng thời điểm.

Theo ông Thắng, việc thu hút lượng lớn USD đổ vào nền kinh tế là một cơ hội tốt đối với nền kinh tế đang cần vốn, nhưng những quyết định đi kèm theo để chống thừa USD thiếu VND... thì không đồng bộ.

Thị trường chứng khoán cũng đang đi lệch mục tiêu và đang bị biến thành nơi đầu tư mua bán trao đổi và hiện thực hóa thành đất đai hàng hóa, vô tình đẩy thị trường bất động sản lên cao và kích thích tiêu dùng...

Cái giá của “ngôi sao đang lên”?

Nghiên cứu của giáo sư Kenichi Ohno và nhóm kinh tế vĩ mô tài chính của VDF cho thấy, thị trường hàng hóa và thị trường vốn tăng thêm sức mạnh cho nhau để duy trì tình trạng quá nóng của nền kinh tế là thực tế đang diễn ra ở VN và cả Trung Quốc hiện nay.

Nguồn vốn từ nước ngoài được thu hút quá nhiều vào VN - một quốc gia đang được nhận định là “ngôi sao đang lên”. Nguồn vốn này được tiếp nhận đã tạo ra sự bùng nổ chóng mặt về tiêu dùng, xây dựng, đầu cơ đất đai và chứng khoán.

Tại phiên họp vừa qua, Chính phủ cũng đã thừa nhận, công tác dự báo của các bộ, ngành còn yếu kém, không lường trước được làn sóng đầu tư nước ngoài lên tới hơn 20 tỉ USD trong năm 2007 nhưng vốn thực hiện được lại rất khiêm tốn chỉ 4,5 tỉ USD.

Theo giáo sư Kenichi Ohno và nhóm kinh tế vĩ mô tài chính của VDF, mỗi năm, VN nhận được một lượng vốn từ nước ngoài khá lớn lên đến 15 tỉ USD tương đương 25% GDP năm 2006. Số lượng vốn lớn như vậy là dấu hiệu mang tính vĩ mô của cuộc khủng hoảng cán cân thương mại trong giai đoạn đầu.

Cần một cái “bắt tay” đồng bộ

TS Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển - Ngân hàng Nhà nước, đã chỉ ra lạm phát ở VN có thể tìm thấy nguyên nhân rất lớn từ công tác điều hành vĩ mô. Theo ông Lai, do không xác định đúng và đầy đủ nguyên nhân nên VN đã lạm dụng nhiều giải pháp tình thế, không cơ bản để chống lạm phát.

Giữa năm 2007, Bộ Tài chính đã hy sinh khoảng 1.000 tỉ đồng ngân sách để giảm thuế đối với hàng trăm mặt hàng nhưng “lạm phát vẫn hoàn lạm phát”. Đến cuối năm 2007, khi giá tiêu dùng vẫn tăng thì lại “lôi” rổ hàng hóa tính CPI ra điều chỉnh lại tỉ trọng...

Theo TS Thắng, tuy hoàn cảnh kinh tế mỗi thời kỳ có khác nhau nhưng những kinh nghiệm xương máu của thời kỳ kinh tế cuối những năm 1980 vẫn là bài học rất tốt cho việc điều hành nền kinh tế của chúng ta hiện nay.

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ Quốc gia, cho rằng cái cần bây giờ là một giải pháp và sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành chứ không chỉ riêng ngành nào.

Theo Lan Chi
Báo Người lao động