1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách:

Nhiều ý kiến không đồng ý giảm thuế VAT với bất động sản, ngân hàng

Trần Kháng

(Dân trí) - Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách không đồng ý mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT 2% đối với các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...

Xem xét phạm vi mở rộng đối tượng được giảm thuế VAT

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm VAT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm nay.

Bà cho biết, Chính phủ đề xuất giảm VAT đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng đến hết ngày 31/12/2023.

So với Nghị quyết số 43/2022/QH15, dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm VAT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.

Nhiều ý kiến không đồng ý giảm thuế VAT với bất động sản, ngân hàng - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện giảm VAT năm 2022 cũng chỉ đề cập đến một số lý do vướng mắc về kỹ thuật như cách xác định hàng hóa, thời điểm lập hóa đơn, mô tả hàng hóa… trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Về cơ bản, các vướng mắc này cũng đã được xử lý trong quá trình thực hiện.

Trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm VAT.

Vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Bà Chi cũng cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành việc mở rộng phạm vi để áp dụng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% như đề nghị của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng, góp phần giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch. Tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn. Doanh nghiệp khó khăn. Người dân khó khăn. Do đó, điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Về tác động chính sách và nguồn lực thực hiện 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, Chính phủ dự kiến số giảm thu là 35.000 tỷ đồng, tính toán cho phương án mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Tuy nhiên, với phương án chỉ áp dụng việc giảm VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì dự kiến số giảm thu Ngân sách Nhà nước là 24.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, cùng với việc đề xuất chính sách giảm VAT này, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi Ngân sách Nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, trong quản lý thu thuế VAT, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện như nào đó để khả thi vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đó để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan xem xét đưa nội dung này bố trí thảo luận cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và đưa vào quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp bảo đảm đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm