Nhiều nước đồng loạt tăng lãi suất sau động thái của Fed

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất thêm 0,75% với quyết tâm hạ nhiệt lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt công bố mức lãi suất mới.

Đúng như dự đoán, ngày 21/9, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 3-3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%, lần thứ 3 liên tiếp trong 4 tháng qua.

Kiềm chế lạm phát đang ở mức cao trong 40 năm hiện là nhiệm vụ trọng tâm của Fed. Cơ quan này tuyên bố kiên quyết đưa lạm phát về dưới 2% và kiên định với chính sách thắt chặt cho đến khi hoàn thành được mục tiêu, ngay cả khi điều đó có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nước đồng loạt tăng lãi suất sau động thái của Fed - 1

Fed kiên quyết đưa lạm phát về dưới 2% và kiên định với chính sách thắt chặt cho đến khi hoàn thành được mục tiêu (Ảnh: Reuters).

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận là kinh tế có thể xảy ra suy thoái, đặc biệt nếu Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Ông cũng cho rằng khả năng hạ cánh mềm ngày càng hẹp nếu chính sách tiếp tục thắt chặt để đạt mục tiêu đưa lạm phát về 2%. Nhưng lạm phát cao cũng sẽ gây ra nỗi đau lớn hơn về dài hạn.

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt công bố động thái tương tự.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vừa công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% từ mức 1,75% lên 2,25%, thấp hơn so với mức dự đoán 0,75% của các nhà phân tích.

Mức tăng ít hơn diễn ra khi BOE cho biết họ tin rằng nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái, với dự báo GDP trong quý III sẽ âm 0,1%, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 0,4% trước đó. Trong quý II, nền kinh tế Anh cũng chứng kiến tăng trưởng âm 0,1%.

Lạm phát tại Anh đã giảm nhẹ trong tháng 8 song vẫn ở mức cao 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOE. Tuy vậy, BOE cũng đã hạ dự báo lạm phát đạt đỉnh trong tháng 10 từ mức 13% trước đó xuống 11%.

Cùng ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã công bố tăng lãi suất 0,75% lên mức 0,5%, chấm dứt một kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu.

Mức tăng 0,75% này diễn ra sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất lên -0,25% vào ngày 16/6, lần tăng đầu tiên trong 15 năm. Trước đó, Thụy Sĩ đã giữ lãi suất ổn định ở mức -0,75% kể từ năm 2015.

Nhiều nước đồng loạt tăng lãi suất sau động thái của Fed - 2

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ vừa công bố tăng lãi suất, chấm dứt một kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu (Ảnh: Reuters).

Lý do của đợt tăng lãi suất này diễn ra sau khi lạm phát ở Thụy Sĩ đạt mức 3,5% trong tháng trước, mức cao nhất trong 30 năm. Ngân hàng này cho biết việc tăng lãi suất chính sách là để chống lại áp lực của lạm phát và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đưa lãi suất cao hơn nữa.

Ở Trung Đông, sau khi Fed công bố mức lãi suất mới, các ngân hàng trung ương vùng Vịnh cũng đồng loạt tuyên bố tăng lãi suất.

Cụ thể, ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75%. Trong khi ngân hàng trung ương UAE quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên 3,15% kể từ ngày 22/9.

Sau động thái của Fed, ngân hàng trung ương Qatar cũng tăng các lãi suất chủ chốt thêm 0,75%, nâng lãi suất cho vay lên 4,5% trong khi lãi suất huy động lên 3,75%.

Ngân hàng trung ương Bahrain cũng nâng lãi suất chính sách đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tuần lên 4%.

Tương tự, Kuwait cũng đưa lãi suất chiết khấu chính tăng thêm 0,25% lên 3%, thấp hơn so với mức tăng mà các nước láng giềng áp dụng. Thành viên còn lại của 6 nước Vùng Vịnh là Oman cũng cho biết sẽ có động thái tương tự.

Tại Đông Nam Á, ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) cũng đang điều chỉnh lãi suất chủ chốt tăng thêm 0,5% lên 4,25%, nhằm chống lại giá cả hàng hóa đang tăng cao. Lãi suất huy động và cho vay qua đêm cũng lần lượt tăng lên mức 3,75% và 4,75%.

Ngày 22/9, ngân hàng trung ương Indonesia đã công bố tăng lãi suất chủ chốt trong tháng thứ 2 liên tiếp nhằm chống lại lạm phát đang tăng vọt do giá nhiên liệu tăng và cuộc chiến tại Ukraine. Theo đó, Indonesia đã nâng lãi suất chính sách thêm 0,5%, từ mức 3,75% lên mức 4,25%, cao hơn so với dự đoán của giới phân tích.

Chiều tối qua (22/9), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã công bố tăng một loạt lãi suất điều hành, bắt đầu áp dụng từ hôm nay (23/9). Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ mức 4% lên 5%. Lãi suất không kỳ hạn tăng từ 0,2% lên 0,5%. Lãi suất cho vay qua đêm và vay bù thiếu hụt cũng tăng lên 6%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất sau thời gian dài giữ ổn định từ tháng 10/2020 đến nay.

Trái ngược với quyết định tăng lãi suất của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại khiến thị trường bất ngờ khi quyết định giảm lãi suất chủ chốt từ 13% xuống 12% bất chấp lạm phát siêu phi mã. Tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã vọt qua mức 80% trong tháng 8, mức cao nhất trong 24 năm qua.

Theo Reuters, CNBC, CNA