Nhiều người siêu giàu chưa hẳn đã vui

Với mức thu nhập trung bình 2.000 USD/năm hiện nay thì so với khối tài sản của người siêu giàu, một người dân thường muốn trở thành siêu giàu phải mất 17.500 năm thu nhập.

    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

    * Xí nghiệp đóng cửa "trả đũa" CN ngừng việc?

    * Giá vàng lại giảm do lo ngại căng thẳng tài chính Bồ Đào Nha dịu lại

    * Nhiều người siêu giàu chưa hẳn đã vui

    * Phụ thuộc thị trường Trung Quốc: Sắn Việt Nam chết đứng!

    Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu (có số tài sản từ 30 triệu USD, tương đương 630 tỉ đồng). Số người siêu giàu tại Việt Nam (VN) hiện nay tăng gấp ba lần so với con số 34 người của năm 2003. Đất nước có nhiều người siêu giàu lẽ ra người dân nên vui mừng nhưng ngược lại, theo khảo sát của WB, đa số người dân lại tỏ ra hoài nghi về cách làm giàu hiện nay của nhiều đại gia nổi lên là không chính đáng. Vậy con số này nói lên điều gì, vì sao người dân lại không vui?

    Siêu giàu nhưng không nói lên sự phát triển 

    “Điều đáng buồn là con số này không nói lên sự phát triển của nền kinh tế VN hay sự giàu có của VN nói chung mà nói nhiều hơn ở khoảng cách giàu nghèo của VN” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định về con số 110 người siêu giàu.

    Theo bà Lan, trong một nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều năm tăng trưởng ở ngưỡng thấp mà lại có những người giàu nổi lên, trong khi số người nghèo trên thực tế vẫn còn rất lớn thì đấy là điều đáng buồn. Ở các nước trong quá trình phát triển kinh tế, có những người giàu có đi lên cùng với tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế là lẽ bình thường nhưng ở VN như vậy là không bình thường.

    Với góc nhìn của một chuyên gia xã hội học, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, lại cho rằng con số này là điều đáng lạc quan chứ không quá tệ hại, nhất là con số này được đánh giá dựa trên thang điểm của thế giới. Bởi dù họ làm giàu bằng cách nào thì với số tài sản lớn như vậy cũng góp phần nào đấy cho đất nước và tạo nên tiếng vang cho VN trong hội nhập. Tuy nhiên, cả bà Lan và ông Bình đều cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là những người siêu giàu này làm giàu bằng cách nào? Và câu trả lời chung của cả hai chuyên gia là sự giàu lên của các đại gia VN ít dựa vào hàm lượng chất xám mà chủ yếu dựa vào thời cơ, làm giàu bằng cơ chế…

    “Qua số liệu công bố hằng năm về những người giàu nhất của VN trên thị trường chứng khoán có thể thấy những người giàu nhất hầu hết hoạt động ở lĩnh vực bất động sản. Tức là các đại gia giàu lên nhờ vào thời cơ. Đấy mới chính là điều đáng buồn” - bà Lan nhấn mạnh và cho rằng hiện VN không có những nhà công nghiệp giàu có, không có những sản phẩm tên tuổi để cạnh tranh trên thị trường quốc tế như các nước khác. “Trong khi đại gia của các nước họ nổi lên với những thương hiệu ai cũng biết đến như Samsung, LG của Hàn Quốc hay Sony của Nhật… chứ họ không nổi lên vì bất động sản như ta. Vì vậy họ hóa rồng cất cánh bay cao còn ta cứ loay hoay mãi” - bà Lan so sánh.

    Nhiều người nghèo cho một người giàu



    Nhiều người nghèo cho một người giàu 

    Báo cáo của WB cũng cho biết cứ một triệu người VN thì có một người giàu. “Khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người VN cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội là điều đáng lo ngại. Đáng chú ý là phần lớn người dân cho rằng sự bất bình đẳng này là do hành vi thiếu chính đáng” - các chuyên gia của WB nhận định.

    PGS-TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng một bộ phận quan trọng trong những người siêu giàu này làm giàu bằng cơ chế, làm giàu bằng cách dùng ảnh hưởng của khu vực quyền lực. “Chẳng hạn như dựa vào các quyết định hành chính, bằng cơ hội nắm bắt thông tin,… Tức là họ làm giàu bằng con đường tha hóa của quyền lực chính trị. Một bộ phận quan trọng của VN hiện nay làm giàu là nhờ vào cơ may đó. Còn yếu tố do tài năng, trí tuệ, năng lực, những tố chất của người làm ăn để vượt lên thành siêu giàu thì không có nhiều” - ông Bình nói.

    Theo ông Bình, có không ít trường hợp nhiều người phải hy sinh để cho một người được giàu lên. “Chẳng hạn như những người có thông tin về quy hoạch đất đai trước mọi người chỉ cần trong 72 giờ thì họ đã có thể đưa ra một quyết định để có được sự giàu có hơn người khác” - ông Bình nêu ví dụ.

    Cùng nhận định với ông Bình, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng phần lớn những người giàu lên nhờ có dự án bất động sản lớn dựa vào những mối quan hệ đặc biệt với chính quyền, với quan chức liên quan. “Trong khi nhiều người dân phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn liên quan đến đất đai, nhất là phải chịu nhiều mất mát từ việc thu hồi đất, còn doanh nghiệp lại được giao đất để làm giàu. Thế nên mới có những câu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ”. Chính điều này làm cho người dân nghi ngờ sự giàu lên của các đại gia cũng phải theo công thức đó chứ không phải giàu lên nhờ trí tuệ” - bà Lan bình luận.

    Ngoài ra, hai chuyên gia cho rằng sự hoài nghi của người dân còn xuất phát từ hệ thống công khai, minh bạch của VN rất kém, cơ hội không được chia đồng đều.

    Người siêu giàu cũng có thể là quan chức 

    Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nếu đánh giá mức độ siêu giàu so với điều kiện của VN hiện nay thì có lẽ số người siêu giàu ở VN không chỉ dừng lại ở 110 người. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng số người siêu giàu được công bố này chỉ là bề nổi dựa trên số tài sản được công khai (qua số cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, số tiền gửi ngân hàng…). “Nếu tính cả những tài sản ngấm ngầm không khai thì tôi nghĩ con số có thể lớn hơn nhiều, kể cả đội ngũ quan chức tham nhũng” - bà Lan nói.

    Bà Lan cho rằng chuyện giàu có ở quan chức hiện nay rất tù mù chẳng ai biết được, chỉ thỉnh thoảng báo chí phát hiện một vài trường hợp lộ giàu. “Mặc dù hiện nay Nhà nước có quy định về kê khai tài sản nhưng lại không công bố, không giải trình thì làm sao người dân biết được. Thêm vào đó tình trạng tài sản của quan chức ẩn danh người khác” - bà Lan nhận định.

    “Cày” 17.500 năm mới thành người siêu giàu 

    Theo thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại Diễn đàn đối tác phát triển VN vào cuối năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của VN đã tăng lên 1.960 USD (gần 2.000 USD) trong năm 2013. Như vậy với mức thu nhập này, một người dân bình thường muốn trở thành người siêu giàu với khối tài sản trên 35 triệu USD thì phải mất 17.500 năm.

    Mỗi tháng người dân để dành được 400.000 đồng

    Theo kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình được Tổng cục Thống kê khảo sát hai năm một lần thì năm 2012 thu nhập bình quân của mỗi người dân VN gần 2 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập khu vực thành thị xấp xỉ 3 triệu đồng, còn vùng nông thôn nhỉnh hơn 1,5 triệu đồng. 

    Trong khi đó tổng chi tiêu của người dân trung bình mỗi tháng hết hơn 1,6 triệu đồng (người thành thị gần 2,3 triệu đồng, nông thôn khoảng 1,3 triệu đồng). Như vậy bình quân mỗi tháng, người dân VN để dành được khoảng 400.000 đồng. (Số liệu mức sống hộ gia đình năm 2013 chưa được công bố vì chờ đợt khảo sát năm 2014).

    Năm 2013 Việt Nam có 200 người siêu giàu 

    Tháng 9-2013, ngân hàng Thụy Sĩ đưa ra con số hơn 200 người VN siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD trở lên) dựa trên số tài sản người VN gửi vào các ngân hàng.

    Năm 2020: Người giàu tăng gấp đôi

    Công ty Tư vấn Boston (BCG) cho biết tầng lớp trung lưu và giàu có tại VN sẽ gia tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Cụ thể năm 2020, VN sẽ có hơn 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu-giàu, gấp ba lần so với con số 10 triệu người của Myanmar.

     
    Theo Thu Hằng
    Pháp luật TPHCM
    Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”