Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động VND

(Dân trí) - Trong khi một số ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hơn 9%/năm thì thị trường cũng xuất hiện không ít ngân hàng giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%.

Khảo sát thị trường tiền tệ, ngân hàng sáng nay 27/3 cho thấy: Ngân hàng MCP Việt Nam Thịnh Vượng giảm 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, lãi suất huy động VND giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, xuống còn 7,8%/năm.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín, lãi suất giảm 0,1-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng; Ngân hàng TMCP Quốc tế giảm 0,1-0,3%/năm tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải giảm 0,2% mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Còn Ngân hàng TMCP Đông Á thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng.


Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động VND (ảnh minh họa).

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động VND (ảnh minh họa).

Trước đó, nhiều ngân hàng tung ra thị trường chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến gần 9%/năm như Sacombank, LienVietPostBank, VPBank...

Điều đáng nói, không phải các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài như Sacombank từ 5 năm đến 7 năm, mà có ngân hàng như Việt Á chỉ kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất 6,9 - 8,2%/năm. Cũng tại ngân hàng này, không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống cơ nơi chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần như: DongABank hay SCB thậm chí áp dụng lãi suất rất hấp dẫn đối với kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 tháng với lãi suất 5,4% - 5,5%/năm. Mức từ 6 - 9 tháng có lãi suất lên tới 6,9%/năm.

Áp lực lạm phát tăng ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng còn do các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.

Nhân tố cuối cùng chính là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Dự kiến sau quyết định tăng ngày 15/03 vừa qua, FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. BVSC nhận định rằng, nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Việc các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng/giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng TMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường.

"Thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng TMCP vẫn giữ ổn định", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm