Nhiều mẫu xe quay lại Việt Nam: Điều hơn cả ưu đãi

Theo chuyên gia, các hãng xe tính lợi ích ngắn hạn khi đến Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tính đến xu hướng phát triển dài hạn của họ.

Từ ngày 10/7, Nghị định 57/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước sẽ được bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, trong đó, có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Với sự thay đổi chính sách kể trên, khá nhiều mẫu xe nhập có doanh số cao bắt đầu rục rịch chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp xe tại Việt Nam.

Đơn cử như 3 mẫu xe ăn khách nhất trong phân khúc Crossover, SUV và MPV đã, đang và sẽ được lắp ráp tại Việt Nam, gồm: Honda CRV, Fortuner của Toyota, Xpander của Mitsubishi.

Trước đây, chính Honda CRV và Toyota Fortuner bị các hãng xe rút từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia với lý do tối ưu hóa lợi nhuận, chi phí sản xuất tại Việt Nam cao và khó cạnh tranh. Tuy nhiên sau khi đường ai nấy đi, các hãng xe lại quay đầu trở lại với Việt Nam khi các chính sách, ưu đãi của Chính phủ được đưa ra.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, việc các hãng xe trở lại Việt Nam lắp ráp để hưởng ưu đãi chỉ là một phần, quan trọng là phải xét vào tình huống cụ thể hiện nay. 

Đó là thị trường tiêu thụ ô tô thế giới đều bị sụt giảm do dịch bệnh, nhiều hãng xe vốn sản xuất ở Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... Trong khi đó, Việt Nam mở cửa, dù là thị trường nhỏ nhưng đang tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với châu Âu (EVFTA), nếu quay lại Việt Nam sản xuất, lắp ráp thì xuất khẩu sang châu Âu thuận lợi, thuế giảm. Ngoài ra, khả năng Việt Nam mở rộng thương mại với các nước trên thế giới là triển vọng rất rõ rệt.

Nhiều mẫu xe quay lại Việt Nam: Điều hơn cả ưu đãi - 1

Honda CRV sắp sửa được lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu từ Thái Lan

Vì lẽ đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, các hãng xe quay lại Việt Nam là đã tính lợi ích ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng tính đến xu hướng phát triển dài hạn của họ. Cụ thể, trong ngắn hạn, các hãng xe giảm được một số chi phí về thuế, phí; thị trường Việt Nam đang phát triển. Còn về dài hạn, các hãng thấy Việt Nam sẽ là một trong những điểm mở cửa và hội nhập mạnh mẽ hơn các nước mà không gặp trục trặc gì.

Về phía Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ rõ, bài học những lần mở cửa trước kia vẫn còn đó - Việt Nam mở cửa nhưng không chuẩn bị nội lực để phát triển nội địa, để tận dụng tác dụng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp nội địa.

Bản thân doanh nghiệp không tính được chuyện này nên Chính phủ, đặc biệt các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương, phải chú ý tới việc này. 

"Phải tính để làm sao lần này mở cửa tạo ra lợi ích cho các hãng xe ngoại để họ quay lại Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam có tận dụng được cơ hội này không? Nếu tận dụng thì phải làm gì?

Đây là vấn đề của các nhà quản lý, lãnh đạo: phải đảm bảo cân bằng được lợi ích trong nước và ngoài nước; tránh chỉ đi cờ một nước - ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng lại không tính được dài hạn, cuối cùng chỉ có doanh nghiệp ngoại được lợi, còn Việt Nam công nghiệp vẫn không phát triển được, doanh nghiệp Việt vẫn không nối vào thành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài được, khiến doanh nghiệp nước ngoài vẫn chỉ là một đơn vị đơn độc đặt ở Việt Nam, thiết bị, phụ trợ đều nhập khẩu", PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý.

Từ đây, vị chuyên gia một lần nữa nhắc lại vấn đề từ lâu đã khiến nhiều người trăn trở: Việt Nam ưu đãi để thu hút doanh nghiệp ngoại vào làm ăn, nhưng Việt Nam phải chuẩn bị, xây dựng doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam, phải yêu cầu doanh nghiệp ngoại thành lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để lôi kéo doanh nghiệp Việt vào trong chuỗi ấy.

Việc này đòi hỏi phải có chính sách cụ thể, phải đặt điều kiện cho doanh nghiệp ngoại rất rõ ràng, nếu không họ chỉ đến Việt Nam và vẫn nhập linh kiện vào để hưởng thuế suất bằng 0, mượn xuất xứ của Việt Nam để bán hàng, tất cả lợi ích họ chiếm hết, còn Việt Nam "cắt thịt" mình để làm mồi nhưng mồi hết, doanh nghiệp ngoại lại rút đi.

Trước băn khoăn Việt Nam bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước làm sao có thể khuyến khích họ hợp tác, sử dụng các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam tin rằng vẫn có thể làm được.

Theo đó, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam để thành chuỗi. Họ phải hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phải tận dụng công nghiệp đã có ở Việt Nam.

"Thực ra, trong mấy chục năm phát triển, công nghiệp Việt Nam đã có bước tiến nhất định, không đến nỗi không thể liên kết  được với doanh nghiệp ngoại. Điều này phụ thuộc vào chính sách của Việt Nam phải rõ ràng, đặt điều kiện với doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn, trong vòng 3-5 năm phải tạo được bao nhiêu doanh nghiệp nội địa làm phụ trợ? Hoặc bao nhiêu % sản phẩm phụ trợ phải sản xuất trong nước Việt Nam?... 

Trung Quốc làm được việc này ngay từ đầu, tại sao Việt Nam không làm được? Đây là điểm mà chúng ta phải học hỏi Trung Quốc", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Theo Thành Luân
Đất Việt