Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá

(Dân trí) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Hà Nội hiện đã có khoảng 300 mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá; trong đó, nhóm hàng sữa tăng từ 8 - 10%.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá - 1
Hàng đông lạnh tăng 5%.
 
Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội, giá thực phẩm đông lạnh, nhất là hàng nhập khẩu có xu hướng tăng 5%. Trong khi giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống (như cá, thịt lợn, thịt gà) và rau củ quả có xu hướng giảm 5 - 10%.
 
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho hay: Hiện cũng đã có một có một số nhà cung cấp yêu cầu tăng giá nhưng Big C cố gắng duy trì chính sách bình ổn giá bằng cách tích trữ thật nhiều mặt hàng. Bên cạnh đó, trung tâm thu mua của siêu thị đã đàm phán để 5 hãng sữa cam kết không tăng giá bán từ nay đến hết năm (Meiji, Hanco, Mead Johnson, Duty Lady, Abbott) và đang tiếp tục đàm phán với các hãng sữa khác không tăng giá bán”, ông Dũng cho biết.
 
Cũng theo ông Dũng, nhằm chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng, từ ngày 6 - 24/10, siêu thị này triển khai chương trình khuyến mãi “giá rẻ chưa từng thấy”. Khoảng 100 mặt hàng nhu thiết yếu hàng ngày như nước mắm, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, bánh kẹo, đồ gia dụng… giảm giá khoảng từ 10 - 50%.
 
Theo thống kê từ ông Vũ Vinh Phú, nhóm hàng tăng giá mạnh nhất trong 300 mặt hàng tiêu dùng hiện đã điều chỉnh phải kể đến là mỹ phẩm (tăng trên 10%); sữa tăng từ 8 - 10%; bánh kẹo sản xuất trong nước, dầu ăn có mức tăng 2 - 3%, đường tăng khoảng 10%, bánh kẹo nhập khẩu tăng 5 - 7%...
 
Nguyên nhân chính mà các nhà cung cấp đưa ra cho mỗi lần tăng giá là: giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm khoảng 2%...
 
Ông Phú bức xúc nói: “Điều đáng nói ở đây là sau mỗi lần nhà cung cấp điều chỉnh tăng, người dân lại phải chấp nhận một mặt bằng giá mới. Hàng hóa chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại; trong khi đó, năng suất lao động lại thấp hơn từ 2 đến 15 lần so với khu vực, so với thế giới là 30 lần”. Ông Phú ví dụ: 1 ha mía tại Thái Lan có thể sản xuất 120 tấn nguyên liệu, còn tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 65 tấn.
 
Ngoài ra, hệ thống phân phối của chúng ta còn kém, lại qua nhiều khâu trung gian. “Không mua trực tiếp từ người nông dân, từ nhà sản xuất, chỉ cần mỗi cầu trung gian tăng khoảng 15% thì giá bán tới tay người tiêu dùng đã rất khác rồi.
 
Điều cần làm ở đây là phải đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh năng suất lao động, tổ chức khâu phân phối và chủ động được nguồn nguyên liệu. Các nhà quản lý cần phải điều hành chính sách giá cho từng giai đoạn lớn, chứ không thể ra quy định kiểu không được tăng giá quá 20% trong vòng 10 ngày. Chính điều này tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lách bằng cách tăng nhỏ giọt khoảng 10% mỗi lần”, ông Phú đễ xuất.
 

Ngày 10/10: Hạn cuối đăng ký giá

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Hiện việc phân cấp quản lý các doanh nghiệp và giá đã được Thông tư 122 quy định rõ. Cụ thể: mặt hàng thuốc thuộc Bộ Y tế quản lý; mặt hàng sữa do Bộ Tài chính (đã gửi thông báo tới 3 doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến thị trường là Mead Jonsshon; Abbott và Vinamilk); Giá cước vận tải sẽ do Bộ Giao thông vận tải quản lý.... và một số mặt hàng khác thuộc Sở Tài chính, Công thương hoặc UBND các tỉnh quản lý.

Theo đó, những đơn vị này sẽ tổng hợp báo cáo về Cục quản lý giá với thời hạn cuối cùng vào ngày 10/10. Chủ yếu doanh nghiệp phải tự rà soát và đăng ký giá với Bộ Tài chính. Còn trong quá trình kiểm tra, Bộ sẽ xem xét kỹ cơ cấu giá thành; nếu không hợp lý sẽ có hậu kiểm buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm.

Nguyễn Hiền