1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Được phát động nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đến nay, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm thứ 4 thực hiện.

Những năm gần đây, vấn đề trẻ tự kỷ được nhắc tới nhiều với tỷ lệ trẻ em mắc khá cao. Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019 cho biết, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có khoảng một triệu người tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra và đang có xu hướng gia tăng.

Trẻ em tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, trong đó một phần là do nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, những rào cản, định kiến từ xã hội, tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ chưa được chuẩn hóa.

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đồng khởi xướng, tài trợ và phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2018-2023. Dự án triển khai với mục tiêu truyền thông tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho cộng đồng; chuẩn hóa kiến thức và biên tập, phát hành tài liệu về tự kỷ; đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn về kiến thức hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tự kỷ.

Thông qua các chiến dịch truyền thông truyền thanh, truyền hình, trên trang mạng xã hội, dự án cũng góp phần giúp các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng được nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về tự kỷ. Dự án giúp người thân của trẻ tự kỷ nhận thức được sự quan trọng, cần thiết trong việc can thiệp sớm, giúp trẻ có cơ hội tiến bộ, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em - 1
Tọa đàm về vấn đề trẻ em tự kỷ - chương trình đầu tiên để triển khai dự án (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

Sau 4 năm dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" được thực hiện - mặc dù có tới 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động của dự án phải tạm hoãn, lùi thời gian - song đội ngũ cán bộ của dự án đã nỗ lực tìm biện pháp, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động theo phương thức trực tuyến. Nhờ đó, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em - 2
Hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ - 2/4 (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

Đến hết tháng 12/2022, dự án đã triển khai thực hiện 9/12 hoạt động, gồm: Tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ và định hướng kiến thức tại 52 trung tâm của 30 tỉnh, thành phố; Biên tập và phát hành một bộ tài liệu về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ có tự kỷ với tổng dung lượng tài liệu trên 1.200 trang kiến thức; Cung cấp kiến thức qua bài viết chuyên đề về tự kỷ trên trang mạng xã hội Chong chóng sắc màu với gần 20.000 người yêu thích và quan tâm; Tổ chức tập huấn online 15 buổi với gần 4.500 học viên tham dự, đồng thời thu hút tới hơn 200.000 lượt học viên truy cập; Tổ chức 8 cuộc hội thảo khoa học và tọa đàm; tổ chức 120 cuộc truyền thông tại cộng đồng. Trong đó, sự kiện "Cùng Chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" được truyền hình trực tiếp trên Kênh HTV Đài Truyền hình TPHCM đã vận động được 4,3 tỷ đồng quyên góp cho dự án. Hàng năm, dự án còn tổ chức tập huấn cho 100 các giáo viên và kỹ thuật viên nguồn được tuyển chọn từ các trung tâm tự kỷ của cả nước.

Hiện nay còn 4 hoạt động, gồm: Tổ chức hội thảo tổng kết; xây dựng phóng sự truyền hình; thiết kế, biên tập 2 cuốn phụ san hình ảnh và đánh giá hiệu quả dự án sẽ được thực hiện trong năm thứ 5 của dự án.

Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" và phổ biến kiến thức tới 181 trung tâm, cơ sở can thiệp tại 52 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có trên 7.000 trẻ em tại trung tâm, cơ sở và trên 3.000 trẻ em ngoài cộng đồng được hưởng lợi từ dự án này.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em - 3
Sự kiện "Chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" được thực hiện vào tháng 6/2022 tại TPHCM (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

Song song với hoạt động hỗ trợ kiến thức, nâng cao năng lực can thiệp cho giáo viên để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, trong 4 năm qua, Quỹ BTTEVN đã hỗ trợ một phần kinh phí để mở lớp học can thiệp cho 340 trẻ em tự kỷ là con của các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại 7 trung tâm, cơ sở của TP Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định. Đến nay, các cháu đều có kỹ năng và hành vi tiến bộ như phát rõ âm tiết khi nói, tự phục vụ các hoạt động cơ bản của cá nhân, chơi tương tác với bạn...

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em - 4
Hoạt động tập huấn cho giáo, kỹ thuật viên nguồn (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Quỹ BTTEVN - cho biết, qua 4 năm thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", kết quả ý nghĩa nhất đã đạt được là quy tụ các chuyên gia đầu ngành về giáo dục đặc biệt, tâm lý, nhi khoa để xây dựng và ban hành một bộ tài liệu chuẩn phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Hiện nay tài liệu đã được cấp phát tới 52 tỉnh, thành phố và được các trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt, các giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ đánh giá rất cao tính khoa học, tính ứng dụng của tài liệu.

Cũng theo bà Hiền, việc can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ cần sự quan tâm đúng mực từ gia đình, giáo viên, xã hội và chính sách của nhà nước. Thời gian gần đây, đã có một số chính sách được ban hành dành cho trẻ em tự kỷ; cha mẹ, người nuôi dưỡng đã bắt đầu chấp nhận và đưa con đi đánh giá, chuẩn đoán và can thiệp khi trẻ còn độ tuổi nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cha mẹ chưa có sự nhận thức đúng về tự kỷ, còn mặc cảm hoặc có thái độ "buông xuôi", không hợp tác tích cực với giáo viên, nhà trường trong quá trình can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ; chính sách cụ thể đối với trẻ tự kỷ còn chưa rõ ràng; rào cản, định kiến xã hội về trẻ tự kỷ còn khá nặng nề… Đó là nguyên nhân khiến việc can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Trong năm thứ 5, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, kế hoạch nhằm hỗ trợ, giúp trẻ tự kỷ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm