Nhiều dự án vốn ngân sách có thể bị “treo giò”
“Cần giảm ngay các dự án, hạn chế tối đa khởi công mới trong 5 năm tới”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà nói trước hội nghị giao ban sản xuất tại bộ này, sáng 3/10.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì nói thêm, đã “không còn đường lùi” nữa nếu tiếp tục đầu tư dàn trải và kém hiệu quả.
Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, chỉ tiêu về vốn đầu tư từ ngân sách khá “hẹp” so với nhu cầu hiện tại. Với cân đối vốn đầu tư phát triển, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo giá thực tế dự kiến khoảng 5.745-6.140 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 250-266 tỷ USD…
Trong đó, đáng chú ý là nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1.020-1.090 nghìn tỷ đồng, chiếm 18%; đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng 225 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9-4,1%....
Trên thực tế, hiện các công trình, dự án nằm trong danh mục được phép triển khai trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 đã có dự kiến vốn vượt nhiều lần so với con số kế hoạch mà Chính phủ trình Quốc hội như nói ở trên.
Chỉ ví dụ đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Vinh cho biết, Nghị quyết Quốc hội trước đây quy định chỉ cho vay một số lĩnh vực tập trung, gồm có giao thông quan trọng và thuỷ lợi… Nay, số liệu liệu cập nhật đã lên đến 3.700 công trình với nhiều lĩnh vực được mở rộng.
Theo ông Bùi Hà, nếu triển khai hết các dự án trong danh mục thì cần huy động khoảng trên 500 nghìn tỷ đồng trái phiếu. So với kế hoạch phát hành chỉ khoảng 225 nghìn tỷ đồng, đã phát hành trong năm nay 45 nghìn tỷ đồng, vị chi 4 năm tới nguồn vốn trái phiếu sẽ chỉ còn được phát hành 180 nghìn tỷ đồng nữa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư so sánh, với hơn 500 nghìn tỷ đồng nhu cầu đầu tư các ự án, dự kiến phát hành trái phiếu như kể trên chỉ tương đương với khoảng 1/3. “Thủ tướng cương quyết sẽ không phát hành thêm”, ông nhấn mạnh như vậy.
Có nghĩa, khoảng 2/3 các công trình đang thi công dở dang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 5 năm tới sẽ phải bỏ. Hoặc là đầu tư chia đều, cho mỗi nơi một tỷ, hai tỷ đồng, thì không nơi nào hoàn thành được…, ông Vinh lưu ý.
Chia sẻ quan điểm này, Vụ trưởng Bùi Hà cho rằng: "Cần giảm ngay các dự án, hạn chế tối đa khởi công mới trong 5 năm tới".
Một chỉ thị của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành nay mai, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Nội dung cũng được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp sáng 3/10.
Theo Bộ trưởng Vinh, tinh thần là chỉ thị này sẽ ban hành sớm, Bộ đã giao Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân hoàn thành dự thảo trước ngày 6/10 để tiến hành lấy ý kiến các vụ, bộ, ngành…
Quan điểm của chỉ thị là nhìn thẳng vào các bất cập trong phân cấp đầu tư, trong nguồn vốn... Thay đổi được tính đến là sẽ tập trung ưu tiên thu xếp vốn trái phiếu cho các công trình cấp thiết, có khả năng hoàn thành sớm và đem lại kết quả nhanh chóng…
Với các dự án không nằm trong diện kể trên, hai lựa chọn khác sẽ là: một, chuyển sang hình thức đầu tư khác như dùng ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi nguồn vốn đầu tư khác theo hình thức BOT, BT, PPP…; hai, tạm dừng đến hết năm 2015.
“Sẽ có một số công trình, khẳng định trong thời gian tới, sẽ phải chuyển đổi và dừng lại”, ông Vinh nói chắc.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Vinh cho biết, từ năm 2012 bắt đầu sẽ có một số thay đổi. Phần ngân sách hỗ trợ của Trung ương cho địa phương vẫn theo số điểm như các năm trước. Nhưng một số khoản chi khác, tổng khoảng hơn 20 đầu mục, sẽ có cơ chế xét duyệt tập trung theo dự án.
Với các chương trình mục tiêu, nếu trước kia nhiều địa phương vẫn “chia đều”, lần này quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vẫn giao trên tổng số vốn nhưng ghi thẳng cho chương trình nào, số lượng vốn bao nhiêu... Hoặc là, các địa phương căn cứ trên số vốn dự kiến được giao, trình danh mục dự án để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tính đến việc thay đổi biểu mẫu báo cáo đầu tư, kèm theo là những tiêu chí lựa chọn dự án ưu tiên. Quy định tới đây sẽ cụ thể hơn về danh mục dự án, phần vốn trung ương hỗ trợ, vốn địa phương tự lo và nguồn vốn khác nếu có, thời gian dự kiến hoàn thành, tiến độ rót vốn…
Về ngân sách từ sau năm 2012, dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với Bộ Tài chính tính toán lại tổng thu, tổng chi, cân đối 90% nguồn thu để phân bổ và 10% đưa vào dự phòng ngân sách.
“Trách nhiệm của Bộ sẽ rất cao, phải trả lời được có bao nhiêu công trình hoàn thành trong năm 2012, 2013, đến 2015…”, Bộ trưởng Vinh nói.