Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì “Vinashin con”

“Nếu không đòi được nợ để có tiền trả ngân hàng, chắc chắn không bao lâu nữa, toàn bộ nhà xưởng máy móc của công ty chúng tôi sẽ bị ngân hàng tịch biên, xiết nợ”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Đức Trọng (trụ sở tại Việt Trì, Phú Thọ), khi nói về các khoản nợ của một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã nợ công ty ông ngót 4 năm nay.
Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì “Vinashin con” - 1

Hàng chục tỷ đồng tiền san lấp mặt bằng vẫn chưa được các “Vinashin con” thanh toán cho các nhà thầu.

Nợ đầm đìa

Theo lời ông Sơn, từ năm 2007, doanh nghiệp này cùng với 8 công ty nữa được tín nhiệm đủ năng lực ký hợp đồng làm nhà thầu phụ cho 4 công ty thành viên (nhà thầu chính) thuộc Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (thuộc Vinashin) thi công san lấp mặt bằng khu kinh tế cảng biển Hải Hà, Hà Cối, Quảng Ninh.

Đây là dự án do công ty Cái Lân làm chủ đầu tư. Công việc san lấp mặt bằng bắt đầu được tiến hành từ đầu tháng 10/2007 đến tháng 2/2008 thì ngừng thi công theo thông báo của chủ đầu tư. Theo biên bản nghiệm thu khối lượng và biên bản đối chiếu công nợ ngày 1/2/2008, 4 công ty thành viên thành viên thuộc công ty Cái Lân đã nợ 9 công ty nói trên 130 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty Đức Trọng, số tiền 130 tỷ đồng tiền nợ trên đến nay 4 công ty thành viên thuộc công ty Cái Lân vẫn chưa thanh toán cho 9 công ty nói trên, khiến các doanh nghiệp này đang đứng bên bờ vực phá sản.

Còn theo ông Phạm Anh Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Mỹ Quyên - một trong 9 doanh nghiệp là nhà thầu phụ cho biết, hiện Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hòn Gai Vinashin và Công ty Cổ phần Xây lắp công nghiệp Vinashin Hạ Long (thuộc công ty Cái Lân) đang nợ công ty Mỹ Quyên 45 tỷ đồng.

Điều đáng nói là số tiền này cũng đã bị “treo” hơn ba năm nay, khiến công ty không có vốn để triển khai các hoạt động khác.

Lãnh đạo công ty Mỹ Quyên cho biết, để có đủ vốn triển khai hoạt động san lấp đúng tiến độ theo yêu cầu của nhà thầu chính, ngoài việc huy động vốn từ các nguồn, công ty ông đã phải thế chấp tài sản của doanh nghiệp, của các thành viên như nhà, đất để được vay vốn từ ngân hàng.

Tuy nhiên, khi thực hiện được một khối lượng lớn công việc theo hợp đồng thì nhà thầu chính lại không đủ khả năng chi trả. Hiện số nợ gốc và nợ lãi của công ty đã lên đến gần 20 tỷ đồng dẫn đến công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Từ chỗ với gần 500 công nhân, hiện công ty Mỹ Quyên của ông chỉ còn 10 nhân viên hành chính.

Riêng với Công ty TNHH Đức Trọng, Giám đốc Nguyễn Văn Sơn, cho hay, hiện Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hòn Gai Vinashhin đang nợ doanh nghiệp này gần 9 tỷ đồng. Trong khi, công ty đang phải chạy ngược, chạy xuôi để tìm cách trả nợ cho ngân hàng.

Cũng theo ông Sơn, vì hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cả 9 công ty là nhà thầu phụ cho dự án trên hiện đang gặp nhiều khó khăn, phần lớn đều đối mặt với nguy cơ phá sản vì không đòi được nợ.

Thậm chí, hiện Công ty TNHH Đức Trọng đang bị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (chi nhánh Việt Trì) hoàn tất hồ sơ để khởi kiện  ra tòa để thu hồi nợ, với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng.

“Nếu nhà thầu chính không kịp thời trả nợ để công ty trả nợ cho ngân hàng thì chúng tôi sẽ trở thành người trắng tay, không nhà cửa, tài sản vì bị ngân hàng phát mại và ngày “khai tử” công ty cũng không còn xa”, ông Sơn ngậm ngùi.

Có trả được?

Mới đây Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất báo cáo kết quả thanh tra tại Vinashin. Kết quả thanh tra cho thấy, các khoản nợ phải trả của tập đoàn này đến thời điểm này lên tới 86.700 tỷ đồng.

Tìm hiểu của người viết cho thấy, không riêng gì các công ty Đức Trọng hay Mỹ Quyên, mà 7 nhà thầu phụ còn lại cũng chung số phận. Các doanh nghiệp  này gần như đang bên bờ vực phá sản, công nhân hơn 3 năm nay sống lay lắt, số nợ của công ty ngày một lớn lên.

Hàng trăm buổi họp, gặp mặt đã được tổ chức để tìm cách xử lý khoản nợ trên nhưng các nhà thầu chính vẫn “bất lực” với lý do chủ đầu tư cũng đang nợ họ với số tiền rất lớn.  

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long (một trong 4 nhà thầu chính) thừa nhận, hiện công ty này đang nợ nhà thầu phụ hơn 36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Cảnh, lý do doanh nghiệp này chưa thanh toán được số nợ trên cho nhà thầu phụ là do chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân cũng đang nợ công ty của ông Cảnh hơn 45 tỷ đồng.  

Tại buổi họp báo Chính phủ cuối tuần trước, trả lời báo giới liên quan đến các khoản nợ của Vinashin, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: quy định về tín dụng là có vay có trả, có nợ phải trả. Vinashin sẽ phải trả nợ và trả lúc nào thì Vinashin xem xét có lộ trình trả cụ thể.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ có những giải pháp, hỗ trợ cần thiết để Vinashin không phải phá sản, khôi phục ngành đóng tàu Việt Nam vững mạnh trở lại. Do vậy, các khoản nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này cũng sẽ được Chính phủ xem xét, hỗ trợ.

Theo đại diện các doanh nghiệp, Chính phủ đang nỗ lực “cứu” Vinashin khỏi bờ vực phá sản, thế nhưng những doanh nghiệp không “mang họ” Vinashin lại đang đứng bên bờ vực phá sản chỉ vì những khoản nợ khó đòi từ các công ty con của Vinashin.

Điều đáng nói, hiện vấn đề được cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn là những khoản vay khổng lồ của Vinashin với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Còn những khoản nợ có giá trị nhỏ hơn, dù đối với Vinashin hay các công ty thành viên có thể chỉ như “hạt cát”, song với các doanh nghiệp chủ nợ, đó lại là cả một tài sản lớn, có ý nghĩa quyết định đến tồn vong của doanh nghiệp.

Rồi đây con tàu Vinashin có thể sẽ được cứu vớt, sẽ lại vươn ra biển lớn, nhưng không ai dám chắc chắc rằng, những con sóng dữ do con tàu này tạo ra trong quá khứ lại không nhấn chìm những con tàu nhỏ khác, vốn không “cùng họ” với nó.

Theo Ngô Trang
Vneconomy