Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngồi chờ “chết”

Sắp tới khi ngân hàng đưa tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm thì nhiều dự án sẽ chao đảo.

Khuyến mãi có giá trị lớn như vàng, kim cương, ôtô, thậm chí hỗ trợ lãi suất nhưng phân khúc căn hộ cao cấp vẫn… bất động. Còn phân khúc căn hộ trung bình sản phẩm bán ra khá khiêm tốn. Ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) thì đang có tình trạng người mua phải cắt lỗ bán dưới giá hợp đồng, thậm chí bán lỗ 30% khoản tiền đang góp mua nhà. Một số sàn giao dịch bất động sản bắt đầu giải thể...
 
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngồi chờ “chết” - 1

Nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn lớn (Ảnh minh hoạ)

“Hàng loạt doanh nghiệp (DN) bất động sản đang ngồi chờ chết. Có DN chết rồi nhưng chưa nói ra thôi”. Đó là nhận định của ông Trần Văn Thành, Trưởng ban Điều hành phía Nam Mạng các sàn giao dịch bất động sản.

Theo ông Thành, hiện thị trường bất động sản quá căng. Từ năm 2010 nhiều DN đã bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án để cầm cự. Nhưng qua năm 2011 bị bồi thêm siết tín dụng nên nhiều DN đuối. Ngoài ra, các tác động khác như sức mua thị trường quá yếu, nhiều chính sách về thị trường, thuế ban hành gần đây chưa hợp lý… cộng thêm nhiều chủ đầu tư bán tài sản, dự án không được đã và đang đẩy DN bất động sản đến bờ vực phá sản.

Hỗ trợ đủ kiểu vẫn không bán được

Ngày 28/5, khi mở bán 20 căn hộ giá trung bình 11,4-12,5 triệu đồng/m2 trong tổng số 520 căn, chủ đầu tư dự án Anh Tuấn (Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã quyết định khá sốc: Thay mặt ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Cụ thể công ty sẽ hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho đến khi bàn giao căn hộ (áp dụng hết tháng 6/2011). Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có sự thay đổi về chính sách hỗ trợ vay vốn của ngân hàng mà ngân hàng tạm ngừng cho vay, chủ đầu tư sẽ cho khách hàng vay số tiền tương ứng với số tiền khách hàng phải thanh toán theo tiến độ của hợp đồng.

Dù hỗ trợ các khoản vay sốc như vậy nhưng thông tin từ phòng marketing công ty cho biết từ khi đưa ra bán đợt hai 20 căn thì hiện tại mới có bảy khách hàng mua.

Không còn là cá biệt, tình trạng các dự án nhà ở giá trung bình khác tại nhiều nơi ở TP từ lâu có khuyến mãi, chiết khấu, tặng quà lớn nhưng vẫn rất khó bán. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở khu Đông TP cho biết trong tháng 5, nhiều khách hàng đã đặt cọc mua căn hộ quyết định lấy lại tiền, không mua nữa.

Còn phân khúc căn hộ cao cấp thì gần như bất động hẳn. Mới đây một dự án căn hộ cao cấp ở quận 7 do quá khó khăn ở đầu ra đã chuyển hình thức từ bán sang cho khách hàng thuê kèm quyền mua căn hộ trong tương lai. Tuy nhiên, hình thức này vẫn không hấp dẫn khách hàng là mấy.

Bong bóng xì hơi

Ở thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán hàng) diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nhưng hàng tồn vẫn còn nhiều. Ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại giữa khách hàng với khách hàng), hai tháng nay xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ rầm rộ.

Ở nhiều dự án căn hộ khách hàng đã mua rao bán chịu lỗ 30% khoản góp vốn như ở dự án căn hộ Hoàng Anh Gia Lai - Chánh Hưng (quận 8) nhưng vẫn không đẩy được hàng. Còn ở các dự án đã nhận nhà (như dự án Phú Mỹ Thuận, Nhà Bè) có khách hàng bán lỗ dưới giá hợp đồng ký với chủ đầu tư (hợp đồng mua 9,4 triệu đồng/m2 bán còn 8,4 triệu đồng/m2) nhưng không ai quan tâm.

Hay dự án căn hộ The Mansion (Bình Chánh) đã giao nhà trong tháng 5 và hiện nhiều khách hàng đồng loạt rao bán ra giá chỉ 11,6-12 triệu đồng/m2, trong khi giá góp vốn mua từ chủ đầu tư là khoảng 9,4 triệu đồng/m2. Giám đốc một công ty môi giới ở khu Trung Sơn (Bình Chánh) cho biết với dự án The Mansion bán giá 12 triệu đồng/m2 thì người mua đã lỗ tiền trả lãi suất vì việc góp vốn diễn ra từ nhiều năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, chia sẻ thị trường bất động sản giá trung bình thấp - một phân khúc có đông khách hàng tham gia hiện đông cứng. Lạnh đến mức ngay dự án Thái An của Đất Lành giá khá mềm nhưng sản phẩm bán ra cũng rất khó. “Gần đây có thêm tình trạng một số khách hàng đã mua căn hộ Thái An rồi đề nghị rút vốn lại” - ông Đực nói.

Giám đốc một công ty bất động sản ở quận 3 bình luận, ngân hàng mới siết tín dụng đợt một (về mức 22%) ở giữa năm mà thị trường bất động sản đã rung rinh, xì hơi. “Vậy nên sắp tới khi ngân hàng đưa tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm thì nhiều dự án sẽ chao đảo, thậm chí không trụ vững”.

Hà Nội: Rao nhiều, bán được ít: Nhìn vào thị trường BĐS ở Hà Nội, khoảng 2-3 tháng trở lại đây, lượng rao bán trên mạng, sàn rất nhiều nhưng giao dịch thành công thì rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% trên lượng rao bán. Nhiều nhà đầu tư bán nhà đất kèm theo khuyến mãi cốt bán được hàng để trả nợ ngân hàng. Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ “ôm” vài căn hộ thì cũng tìm cách bán ngay, thậm chí bán hòa vốn.

So với cách đây 2-3 tháng, người mua đã có lợi hơn. Giá giảm xuống tới hàng triệu đồng/m2, nhà chung cư có nơi hạ rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu nhà đất để ở cũng đang chờ đợi cho giá xuống thấp hơn. Trong khi đó, với chính sách tiền tệ như hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư bắt buộc phải bán nhà đất đi để thu hồi vốn và trả các khoản nợ đã vay.

228.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến 31-12-2010. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Sắp tới sẽ có DN bất động sản phá sản: Phần lớn DN bất động sản Việt Nam là dạng nhỏ và vừa nên sẽ không cầm cự được lâu, nhất là DN chọn sai thị trường, sai phân khúc và đầu tư quá rộng mà cụ thể đó là các dự án căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng.

Theo Bùi Nhơn
Pháp luật TP.HCM