1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều Bộ ngành sốt sắng lo lọt giải “Mâm xôi vàng”

(Dân trí) - Nhiều bộ đã chỉ đạo các bộ phận đưa ra những đề cử tốt, cũng có những bộ bắt đầu nhận thấy có một số quy định có nguy cơ bị đưa vào danh sách tồi và đưa ra những giải trình, thậm chí hứa sẽ sửa sớm những quy định này để không “dính” phải “giải mâm xôi vàng”(10 quy định tồi nhất).

VCCI hiện đang trong quá trình nhận đề cử “10 quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) – một trong những người chủ trì dự án:

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế VCCI
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế VCCI

“Nóng” với quy định gắn bình cứu hỏa trong ô tô

Thưa ông, kể từ khi khởi động dự án vào 22/12, phản ứng của các Bộ, ngành đến thời điểm hiện tại như thế nào?

Cho đến thời điểm này đã có 139 đề cử được gửi tới và chúng tôi cũng đã nhận được phản hồi từ một số bộ ngành. Chẳng hạn như Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi các đơn vị trong bộ để tham gia. Bộ Tư pháp cũng đã gửi 14 đề cử sang…

Nhiều bộ đã chỉ đạo các bộ phận đưa ra những đề cử tốt, cũng có những bộ bắt đầu nhận thấy có một số quy định có nguy cơ bị đưa vào danh sách tồi và đưa ra những giải trình, thậm chí hứa sẽ sửa sớm những quy định này để không “dính” phải “giải mâm xôi vàng”(10 quy định tồi nhất).

Việc các bộ ngành tự nhìn lại những quy định chính sách mà mình ban hành – theo chúng tôi, là một điều tốt và nên khuyến khích hơn nữa. Nếu như trước đây việc sửa đổi một quy định không phù hợp phải mất đến hàng năm thì hiện tại, khi có những sự kiện như thế này, tốc độ sửa đổi hứa hẹn sẽ được đẩy nhanh hơn, thậm chí chỉ cần vài ngày! Điều đó cũng tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hơn.

Bây giờ đang là giai đoạn đề cử (đã gia hạn đến 29/2). Theo chúng tôi thì đến giai đoạn bình chọn, tức là khi đã có top 30 để chọn ra top 10 thì chắc chắn phản ứng sẽ nhiều hơn.

Ông có lo ngại rằng Ban tổ chức sẽ chịu sức ép ngược từ các bộ ngành khi công bố top 10 quy định tồi hay không?

Chuyện đấy chắc chắn sẽ có. Song quá trình chuẩn bị của VCCI trong vấn đề công bố danh sách ngắn 30 và danh sách 10 tương đối kỹ. Trong Top 30, chúng tôi tiếp nhận mọi đề cử không hạn chế đối tượng miễn là đáp ứng đúng tiêu chí. Giai đoạn này có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện Chính phủ, đại diện các hiệp hội…

Để lựa chọn Top 10, VCCI đã thiết kế trọng số điểm với 70% dành cho các Hiệp hội và 30% số điểm dành cho bầu chọn qua mạng Internet - ở đây chúng tôi đã lường đến sự tác động từ một phía nào đó nhằm “bóp méo” kết quả.

Chúng tôi đánh giá cao lá phiếu của các Hiệp hội doanh nghiệp do đây là những tổ chức trung gian giữa nhà nước và doanh nghiệp, họ hiểu chính sách và là đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp thành viên.

Ông có thể cho biết một số đề cử đáng chú ý?

Cũng có khá nhiều đề cử hay. Chẳng hạn như Thông tư 57 về việc yêu cầu ô tô sử dụng bình cứu hỏa là quy định nhận được đề cử vượt trội cho quy định tồi. Tôi cho rằng, đây là một ví dụ cho thấy chất lượng xây dựng pháp luật của Việt Nam vẫn còn buông lỏng, dẫn đến việc đưa ra những quy định ít có tính khả thi, hợp lý, chưa cân nhắc chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp và cũng chưa nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế. Việc chuẩn bị cho việc đưa ra chính sách có vẻ như tương đối dễ dãi nên dẫn đến nội dung quy định có vấn đề!

Quy định yêu cầu ô tô sử dụng bình chữa cháy đang bị đề cử vào Top quy định tồi nhất
Quy định yêu cầu ô tô sử dụng bình chữa cháy đang bị đề cử vào Top quy định tồi nhất

Lấy ý kiến mang tính chống chế

Tôi thấy trên website các bộ ngành vẫn công bố dự thảo lấy ý kến đấy chứ, nhưng vì sao vẫn liên tục xảy ra tình trạng “lọt sàng” những quy định tồi như vậy?

Luật ban hành văn bản pháp luật yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đăng dự thảo lên website của mình trong thời hạn 60 ngày để lấy ý kiến nhưng khi tham gia vào quá trình này chúng tôi thấy có nhiều điểm bất cập.

Thứ nhất, chúng ta có đến hơn 20 website bộ ngành, cộng cả website của Chính phủ, của Quốc hội…, người dân và doanh nghiệp nếu muốn theo dõi tất cả các dự thảo thì một tuần phải truy cập hơn 20 trang web như vậy, rõ ràng điều này rất bật tiện.

Thứ hai là địa điểm đăng tải dự thảo trên các website hầu hết là trang trong hoặc ở góc rất khó tìm đối với nhiều người. Cũng có những dự thảo văn bản dài cả trăm trang, không ai đọc hết được chừng đó cả! Gần như là chỉ đăng tải dự thảo chứ không có bản tóm tắt, tài liệu tiếp thu giải trình, đánh giá tác động… của dự luật đó.

Nói tóm lại là việc lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp với dự thảo quy định pháp luật mà các bộ ngành đang thực hiện đang mang tính hình thức, chống chế là phần nhiều.

Ở nhiều quốc gia, việc lấy ý kiến với tất cả các dự thảo văn bản pháp luật chỉ qua một trang web, người dân có thể vào đó để truy cập những quy định mới cần biết. Khi xây dựng Luật xây dựng văn bản năm 2015, chúng tôi cũng đã góp ý với dự thảo là cần phải có một website như vậy để tạo sự thân thiện cho người dùng và lôi kéo được tiếng nói của cộng đồng vào công việc xây dựng luật, nhưng rất tiếc, đề xuất này đã không được chấp nhận.

Hơn nữa, cũng phải nói rằng, việc lấy ý kiến là trách nhiệm của các Bộ còn trả lời, góp ý hay không là quyền của người dân, thế nhưng người công chức ăn lương từ tiền thuế của người dân thì vẫn phải làm những công việc như vậy.

Tôi lấy ví dụ nếu như Thông tư 57 được lấy ý kiến rông rãi thì tôi tin rằng, số lượng người quan tâm sẽ rất lớn. Sẽ có những bình luận, góp ý ngay từ thời điểm đang soạn thảo và chắc chắn những quy định buộc phải đặt bình cứu hỏa trên xe ô tô sẽ không trở nên bất cập như thời gian vừa qua.

Tôi cũng thấy rằng, tại một số Bộ ngành, việc tuân thủ lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật là không đầy đủ, thậm chí có những văn bản ban hành rồi nhưng cũng không hề đăng công báo để người dân biết.

Vào TPP, doanh nghiệp ngoại có thể kiện chính quyền

Theo ông, tình trạng tham nhũng vặt (chi phí không chính thức) xảy ra phổ biến như hiện nay liệu có lỗi từ chính trong quá trình xây dựng luật pháp?

Tại đợt bình chọn này, chúng tôi mở rộng ra 10 tiêu chí trong đó có một tiêu chí được đưa ra khá táo bạo là tiêu chí “kiểm soát nguy cơ gây nhũng nhiễu”.

Quan sát tình trạng xây dựng chính sách hiện tại, chúng tôi thấy rằng, rất nhiều trường hợp có quy định cài cắm, tạo cơ hội cho những người thực thi lợi dụng. Những quy định đó phải là những quy định tồi!

Có chuyên gia nhận xét rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam hình phễu, bên trên mở rộng, thông thoáng, nhưng bên dưới thì bó hẹp lại, và thực tế đúng là như vậy. Tuy nhiên, sắp tới, Việt Nam sẽ phải thay đổi thôi, vì trong TPP có quy định, trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách và gây thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư được phép kiện Chính phủ ra trọng tài quốc tế.

Để chính sách thực sự phục vụ người dân, vì người dân và doanh nghiệp thì theo ông, Việt Nam cần thay đổi những gì?

Có nhiều điều cần phải thay đổi. Nhưng ở đây tôi thấy rằng, không ít những quy định pháp luật đang “bóp chết” sự sáng tạo của người Việt, do “tư duy đóng” trong xây dựng pháp luật của chúng ta. Thế nên mới có những chuyện, cứ sáng tạo là rất dễ vi phạm pháp luât.

Cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp (start-up) cần tạo điều kiện hơn với tư duy mở của nhà làm chính sách; bởi nếu đáp ứng hết tất cả những điều kiện, quy chuẩn cũ thì lấy đâu ra cái mới!

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

 

Nhiều Bộ ngành sốt sắng lo lọt giải “Mâm xôi vàng” - 3