1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều bài toán cho bể than sông Hồng

(Dân trí) - Vấn đề mở bể than trữ lượng lớn tại Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nhằm đáp ứng nhu cầu than cho ngành điện nhưng việc triển khai dự án này sẽ phải đối mặt với sụt lún, tác động môi trường và đời sống của 180.000 dân ở đây.

Nhiều bài toán cho bể than sông Hồng - 1
Khai thác than ở Quảng Ninh.
 
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Xuân Hoà, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) đã trả lời phỏng vấn báo giới.
 
Việc đề xuất mở bể than ĐBSH đang được TKV kỳ vọng là sẽ khắc phục được bài toán an ninh năng lượng khi các nhà máy điện trong Tổng sơ đồ điện VI đang rất cần than. Đây có thực sự là vấn đề cấp bách không, thưa ông?
 
TKV xây dựng quy hoạch phát triển ngành trên cơ sở quy hoạch phát triển các ngành kinh tế có nhu cầu tiêu thụ than và căn cứ vào tốc độ tăng trưởng GDP. Với những tính toán về nhu cầu thì vào năm 2013, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và dự báo đến 2020, lượng than phải nhập khẩu sẽ lên đến trên 100 triệu tấn.
 
Để giải quyết bài toán năng lượng này, nếu chúng ta đặt vấn đề khai thác sớm bể than sông Hồng thì đến khoảng năm 2015 - 2017, chúng tôi hy vọng là sẽ sớm có mỏ than đầu tiên được khai thác tại đây.
 
Nhưng còn bài toán an ninh lương thực và vấn đề môi trường đã được TKV tính đến chưa?
 
Tôi cho rằng bài toán này không phải của riêng TKV, mà phải được sự hợp lực của các nhà khoa học, nhà quản lý và sự đồng thuận của cả nhân dân để tham gia vào quá trình "giải bài toán" an ninh năng lượng cũng như an ninh lương thực của đất nước.
 
Ở đây, việc lựa chọn công nghệ là vấn đề quan trọng. Phải làm sao vừa đảm bảo khai thác được than, nhưng vẫn phải không ảnh hưởng đến đất sản xuất bên trên và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới môi trường từ việc khai thác than, không phải hy sinh lợi ích nào.
 
Hiện nay, vấn đề công nghệ đang được tính toán như thế nào, thưa ông?
 
Hiện nay, TKV đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép thăm dò và thử nghiệm công nghệ khí hoá than tại 2 điểm mỏ là Hưng Yên (huyện Khoái Châu) và Thái Bình.
 
Đồng thời, chúng tôi đã thành lập liên doanh gồm TKV (chiếm 60% vốn) và 2 đối tác là Marubenni (Nhật Bản) và Link Energy (Úc). Hai tập đoàn này đã triển khai thành công công nghệ khí hoá than ở các mỏ than của Úc, cho kết quả khả quan.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ký một liên doanh khác với đối tác Mỹ để thử nghiệm công nghệ khai thác than hầm lò truyền thống tại bể than sông Hồng. Sau khi có kết quả thử nghiệm sơ bộ, chúng tôi sẽ có những so sánh, đối chiếu, kiến nghị Chính phủ triển khai các bước tiếp theo.
 
Khi lựa chọn công nghệ thì tiêu chí nào là quan trọng nhất?
 
Khai thác theo công nghệ truyền thống cũng có lợi là giải quyết được vấn đề môi trường, ngược lại cũng có những vấn đề nó không giải quyết được. Còn công nghệ khí hoá than ngầm thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được làm rõ.
 
Chính vì thế chúng tôi phải tiến hành thử nghiệm thận trọng, khi chưa giải quyết tốt các vấn đề về công nghệ khai thác, chống sụt lún, để lại dư chấn môi trường... thì việc khai thác quy mô lớn chưa thể làm được.
 
Vậy dự kiến thì khi việc khai thác bể than sông Hồng sẽ được thực hiện?
 
Ngoài vấn đề lựa chọn công nghệ như tôi vừa nói thì việc có đẩy nhanh được tiến độ của bể than sông Hồng hay không còn liên quan đến nguồn vốn. Theo ước tính, chỉ riêng khâu thăm dò để đánh giá toàn bộ bể than ĐBSH đã lên tới khoảng 2,5 tỉ USD.
 
Giai đoạn đầu, TKV đang xin phép Chính phủ cho thăm dò 1-2 mỏ để đầu tư thử nghiệm công nghệ, mỗi mỏ cũng đầu tư khoảng 10 triệu USD/mỏ, chứ hiện tại chưa có đủ vốn để thăm dò toàn bộ bể than.
 
Tuy nhiên, nhiều đối tác nước ngoài rất quan tâm đến bể than sông Hồng của ta, nếu được phép của Chính phủ việc gọi đối tác đầu tư cùng thăm dò khoáng sản cũng không khó khăn.
 
Chúng tôi đang xin Chính phủ cho áp dụng cơ chế thăm dò dầu khí để thăm dò đối với than. Theo đó, TKV được chủ trì cùng các nhà đầu tư khác ở trong và ngoài nước tổ chức điều tra cơ bản và tổ chức thăm dò than trên toàn bộ diện tích có chứa than ở bể than Đông Bắc và bể sông Hồng (khoảng 3.500 km2) theo nguyên tắc tự trang trải, tự chịu rủi ro.
 
Xin cám ơn ông!
 

Theo đề án của Cty năng lượng Sông Hồng (SHE) - thuộc TKV, dự án thử nghiệm khai thác than ngầm dưới lòng đất (từ độ sâu -350m trở xuống) theo hai công nghệ: công nghệ khí hóa than ngầm và khai thác than hầm lò theo kiểu truyền thống. Dự kiến sẽ thử nghiệm tại 4 dự án, 3 tại Hưng Yên và 1 tại Thái Bình.

Nếu được chấp thuận, ngay trong năm 2010, SHE sẽ tiến hành khoan, đào hầm lò để khai thác thử nghiệm. Sau 6 tháng sẽ cho kết quả về công nghệ khí hóa than ngầm. Việc khai thác theo phương án hầm lò truyền thống thì phải sau khoảng 10 năm mới cho kết quả. Vấn đề đáng lo ngại nhất mà dự án này gặp phải là sụt lún, tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của 18 vạn dân sống ở khu vực.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm