Nhiều áp lực đẩy giá hàng hoá lên
Giá thực phẩm tươi sống, rau củ quả và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đường, dầu ăn, xà bông… đang có dấu hiệu tăng sau khi giá nguyên liệu đầu vào tăng. Một số doanh nghiệp cho biết đang lên kế hoạch cho đợt tăng giá mới vào tháng 6.
Hiện nay, các khu vực bán lẻ là các chợ và cửa hàng phải tăng giá theo nhà cung cấp. Một tiểu thương chợ Bà Chiểu cho rằng, do họ mua hàng số ít, nên giá thị trường thay đổi thế nào phải theo, không thể giữ giá cũ.
Tăng giá rình rập
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhìn nhận: “Lượng hàng dự trữ của chúng tôi đủ bán trong vòng một tháng tới. Nếu các nhà cung cấp muốn tăng giá thì đến giữa tháng 6 mới có thể tính”.
Trong lúc đó, ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Citimart nói: “P&G đề nghị tăng giá 10% nước xả, mà đây là mặt hàng bán khá tốt nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh theo nhà cung cấp. Đến tháng 6, mặt hàng dầu gội của nhãn hàng này cũng áp dụng mức giá tăng 10%”.
Về “lộ trình” tăng giá, theo bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark: “Sau lễ 30/4 hầu hết các mặt hàng đều kết thúc khuyến mãi. Sau đó các mặt hàng nhập khẩu điều chỉnh giá tăng theo tỷ giá”.
Theo bà Thảo, trong bối cảnh tháng 5, tháng 6 thị trường bước vào mùa mưa, doanh nghiệp muốn thay đổi giá sẽ áp dụng chiêu thức tăng giá bằng sản phẩm mới.
Người chăn nuôi, nuôi trồng khẳng định, thức ăn chăn nuôi là “thủ phạm” chính kích giá thực phẩm biến động hiện nay. Ông Trần Văn Hạt, phụ trách kinh doanh công ty C.P, thừa nhận, chi phí đầu vào, trong đó có thức ăn quá cao đang đẩy giá thịt heo leo thang.
Ông Hải cho rằng, người chăn nuôi đang phải mua giá thức ăn đầu vào quá cao, tính ra giá thành nuôi heo ở Việt Nam tăng hơn 15 - 20% so với một số nước.
Tính toán cụ thể của một nông dân nuôi cá ở Hoá An, Đồng Nai, để nuôi được 1kg cá rô đồng, cần tới 2,5kg thức ăn. Giá trung bình hiện nay là 10.000 đồng/kg, cộng thêm con giống, thuốc, điện, xăng dầu bơm nước cho ra giá thành phẩm cá là 27.000 - 28.000 đồng.
Hồi tháng 2, một bao cám 25kg nuôi cá rô đồng, cá lóc, cá diêu hồng, bán đến tay nông dân khoảng 215.000 đồng, giảm được 15.000 đồng so với thời điểm sốt giá 2008, thế nhưng, qua đầu tháng 4, lên lại 10.000 đồng và đang tiếp tục tăng mạnh.
Từ tháng 3, tháng 4, giá một số loại nguyên liệu đã tăng trên 50%, như khô dầu đậu nành từ 230 USD/tấn lên 461 - 495 USD/tấn tuỳ loại (giao hàng tháng 6), bắp từ 120 lên 198 USD/tấn, tấm từ dưới 100 lên 155 USD/tấn… Giá hoá chất và nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa, hoá mỹ phẩm… mới nhích lên khoảng 10 - 15%.
Ông Huỳnh Kiến Nam, Giám đốc công ty mỹ phẩm Gia Đình cho biết: “Giá nguyên liệu tăng một chút, nhưng chịu khó giảm lãi, tiết kiệm các chi phí khác thì vẫn duy trì giá bán lẻ như cũ được”. Nhưng một số công ty đã bắt đầu xem giá nguyên liệu tăng là cái cớ, cộng thêm các yếu tố về tỷ giá, giá xăng… để đẩy giá bán lẻ các mặt hàng chất tẩy rửa tăng thêm 10%.
Tiền trượt giá
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tăng 1,25% so với tháng trước, tăng 3,88% so với tháng 12 năm trước và tăng 11,21% so với cùng kỳ năm 2008. USD lên giá, cộng với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến cho chi phí đầu vào tăng mạnh hơn.
Theo ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tháng 4/2009 ước tăng 11,4% so với cuối năm trước. Trong đó, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 19,37%. Ông Trang Văn Sanh, chuyên gia ngân hàng nhận định: “Tiền mặt lưu thông ngoài ngân hàng tăng cao hơn tổng phương tiện thanh toán như vậy là tín hiệu xấu, tạo áp lực tăng giá”.
Theo ANZ, áp lực lạm phát giảm, giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng 9,2% so cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên ở mức một con số kể từ tháng 10/2007. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, cần lưu ý khả năng tái lạm phát xảy ra, khi giá cả tăng cao do một lượng vốn quy mô lớn được đổ vào thị trường.
Chính ANZ cũng dự đoán, các cơ quan chức năng có thể thực hiện chính sách đồng Việt Nam yếu hơn, như một cách giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu đồng USD trên thị trường trong nước. Nếu điều này xảy ra, đồng nghĩa với việc giá cả sẽ tiếp tục tăng.
Những dấu hiệu ở thị trường tiền tệ cho thấy, áp lực tăng giá đang hiện rõ. Nguyên nhân thất bại của các đợt đấu giá trái phiếu chính phủ gần đây do lãi suất dự thầu cao hơn lãi suất trần quy định. Lãi suất huy động tiền gửi tăng dần lên mức từ trên 9 đến gần 10%/năm.
Nghĩa là người cho vay tiền muốn có lãi suất cao hơn để bảo toàn vốn, phòng khi lạm phát quay trở lại.
Theo Nhóm PV
Báo SGTT