Nhiệt điện Na Dương 2 và nỗi lo nhà thầu Trung Quốc
(Dân trí) - Đặt tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Nhiệt điện Na Dương 2 đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu EPC và dự kiến sẽ khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II/2016. Điều lo ngại là với những lợi thế giá, nếu nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, những hệ lụy trước đây sẽ tái diễn.
Chưa ấn định là có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc hay không
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Ngô Trí Thịnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin cho biết, hiện tại, chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu EPC để đảm bảo điều kiện khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II năm 2016.
Việc lựa chọn nhà thầu EPC được ông Thịnh cho biết còn phụ thuộc vào các điều kiện của Luật Đấu thầu nên không thể xong ngay được.
Do nhà máy được đặt ở Lạng Sơn, địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng nên nhiều lo ngại rằng, nếu nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bên cạnh những rủi ro kinh tế - xã hội nhãn tiền như sử dụng công nghệ lạc hậu, tiến độ chây ỳ… Trả lời vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, hiện tại Na Dương 2 vẫn đang trong quá trình lựa chọn thầu, chưa ấn định là có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc hay không.
Trước đó, Nhiệt điện Na Dương 1 đã trở thành một trong những điển hình thành công với việc áp dụng công nghệ tiến tiến của Nhật Bản. Theo thông tin từ TKV thì những năm 1990, Than Na Dương từng có thời kỳ hết sức gian nan vì nguồn than không tiêu thụ được, vốn nợ đọng nhiều, vốn giải ngân chậm… bởi đặc điểm của loại than này là nhanh cháy nhưng mau tàn, có hàm lượng lưu huỳnh rất cao. Nhưng vấn đề này đã được giải quyết với việc ra đời Nhà máy Nhiện điện Na Dương 1, trong đó bên trúng thầu là nhà thầu Nhật Bản.
Đến lượt Na Dương 2, ông Thịnh khẳng định, những thành công của Na Dương 1 sẽ được áp dụng cho công việc tiếp theo. Tuy nhiên, nguyên tắc lựa chọn nhà thầu vẫn là bình đẳng, không thiên vị cho bất cứ bên nào.
“Hiện nay công nghệ gần như là phổ biến trên toàn cầu, còn lại là cách vận hành, kinh nghiệm của mỗi nhà thầu có một cái khác. Tùy thuộc vào tay nghề. Cũng như lái xe bây giờ ai cũng lái được nhưng cũng có người lái tốt, người lái không tốt. Như vậy để nói không phải là dự án chỉ phù hợp với công nghệ Nhật Bản mà không phù hợp với công nghệ Trung Quốc hay ngược lại” – ông Thịnh nói.
Đồng thời, đại diện Chủ đầu tư cũng cho biết thêm, tiêu chí chọn nhà thầu là thiết bị phải đáp ứng được các thông số kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn châu Âu. Ai là người làm tốt nhất thì được ưu tiên nhất.
Quy định xét thầu có nhiều tiêu chí và nhà thầu phải đáp ứng đủ, trong đó yếu tố giá rẻ chỉ là một tiêu chí mà thôi. “Giá tốt nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật không được thì cũng không thể chấp nhận” – ông Thịnh cho hay.
Chọn nhà thầu: Đừng để phải giá như
Trên thực tế, những mối quan ngại với nhà thầu Trung Quốc không hẳn không có cơ sở. Với giá bỏ thầu hấp dẫn, nhà thầu Trung Quốc thường có lợi thế, tuy nhiên trong quá trình thi công thì chi phí lại đội lên nhiều lần và tiến độ thường chậm trễ. Không riêng lĩnh vực nhiệt điện mà hầu hết các dự án thuộc các lĩnh vực khác đều gặp phải tình trạng này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội dẫn một báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Harvard cho biết, mỗi năm riêng bệnh do bụi than của những nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam không đạt chuẩn mang lại khiến 4.300 người chết yểu. Và nếu tất cả những nhà máy nhiệt điện đều làm với công nghệ lạc hậu như vậy sẽ mỗi năm sẽ có thể khiến 25.000 người chết.
Ông Phúc cảnh báo, sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường sẽ mang lại hậu quả vô cùng nặng nề với không chỉ nền kinh tế mà với sức khỏe, đời sống của người dân.
Một vị đại biểu Quốc hội khác kể lại, năm 2014, khi ông tới dự một hội nghị APEC ở Bắc Kinh, trước khi hội nghị diễn ra 1 tháng người ta bắt 2.000 nhà máy phải đóng cửa để nhìn thấy bầu trời.
“Ngay tại Trung Quốc còn như thế thì khi nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam với hệ thống máy móc cũ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường chứ không phải không. Về điều này, theo tôi các bộ, ngành, cũng như các địa phương cũng phải yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đúng theo những quy định, chứ không phải vì thu hút đầu tư của nước ngoài mà bỏ quên quy định, không kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, máy móc...” – vị này đề nghị.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tư lệnh ngành là Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng có lần phải thừa nhận rằng, “Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn”. Chia sẻ này được ông Thăng nói tại một cuộc họp báo liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tại cuộc họp này, ông Thăng đã lý giải vì sao Việt Nam phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mà không phải là của các nước khác và cũng không thể “đuổi” nhà thầu Trung Quốc yếu kém về năng lực.
Tất nhiên, không phải mọi nhà thầu Trung Quốc đều yếu kém, nhưng qua những lần “bất tín” thì người ta có quyền “bất tin”. Sai lầm trong khâu chọn nhà thầu không chỉ kéo theo thất thoát về mặt kinh tế của dự án, mà hơn thế là sức khỏe và lòng tin của người dân. Có lẽ vì vậy, đã đến lúc chủ đầu tư các dự án cần kiên quyết hơn trong công tác chọn thầu, dứt khoát nói “không” để không còn những trường hợp phải “giá như” khi dự án đã được tiến hành.
Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 được xây dựng với công suất 110 MW, gồm 1 tổ máy, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn, với tổng mức đầu tư trên 192 triệu USD. Dự kiến Nhà máy sẽ phát điện vào năm 2018, hàng năm cung cấp khoảng 640 triệu kWh điện cho lưới điện Quốc gia. Mỗi năm, tiêu thụ khoảng 477 ngàn tấn than loại 2 của mỏ than Na Dương.
Bích Diệp