Nhật Bản bảo vệ nghiêm ngặt 518 doanh nghiệp khỏi nước ngoài thâu tóm
(Dân trí) - Nhật Bản vừa đưa ra một danh sách các công ty chịu kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với sở hữu nước ngoài nhằm đẩy mạnh việc giám sát các ngành công nghiệp được coi là chìa khoá đối với an ninh quốc gia.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đã xác định đưa 518 doanh nghiệp trong tổng số 3.800 doanh nghiệp - đang niêm yết trên thị trường chứng khoán với trị giá 5,4 nghìn tỷ USD – là hoạt động cốt lõi của an ninh quốc gia, và phải chịu các quy định nghiêm ngặt hơn về đầu tư nước ngoài.
Trong số đó bao gồm các tên tuổi lớn như Toyota, Sony… đang niêm yết trên các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và các nơi khác.
Theo đó, các ngành như dầu mỏ, đường sắt, tiện ích, vũ khí, không gian, năng lượng hạt nhân, hàng không, viễn thông và an ninh mạng được coi là các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia và phải chịu các quy định nghiêm ngặt về đầu tư nước ngoài.
Với quy định này, các nhà đầu tư nước ngoài mua 1% cổ phần trở lên tại các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc 12 lĩnh vực trên từ nay sẽ phải chịu sàng lọc về nguyên tắc mới được sở hữu cổ phần, so với mức 10% trước đây.
Trên sàn Nikkei 225 Index, giá cổ phiếu của Toyota đã giảm 15% trong năm nay, trong khi đó, cổ phiếu của Sony cũng giảm đến 6,4%.
“Việc sửa đổi luật này nhằm đẩy nhanh đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật Bản”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói và cho biết thêm, luật này đã được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái và vấn đề công nghệ và bằng sáng chế cần được bảo vệ từ quan điểm an ninh quốc gia.
“Khi chúng tôi giải thích về ý định này với các đối tác nước ngoài, nhiều chỉ trích cho rằng chúng tôi hạn chế đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản không còn nữa”, ông Taro nói.
Một số nhà phân tích cho rằng, luật đầu tư sửa đổi này phản ánh lo ngại của Tokyo đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như quốc phòng, hay nguy cơ rò rỉ thông tin bí mật và “chảy máu” đối với ngành công nghệ chính.
Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng, quy định này không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản và chống lại những nỗ lực của chính phủ về thu hút đầu tư để hồi phục nền kinh tế.
Trong khi, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới – Nhật Bản – đã tăng trưởng một cách kinh ngạc ở mức 2,1% trong quý vừa qua, chính phủ nước này cũng tiết lộ một gói kích thích kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD để bảo vệ việc làm cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Gói kích thích này bao gồm một khoản ngân sách gây tranh cãi trị giá 2,2 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng rất lớn đối với giá cổ phiếu doanh nghiệp Nhật Bản khi họ nắm giữ khoảng 30% trong tổng số 575 nghìn tỷ Yen (tương đương 5,4 nghìn tỷ USD) của thị trường chứng khoán Nhật Bản và chiếm khoảng 60% doanh thu giao dịch.
Nhật Linh
Theo SCMP