1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhập siêu hàng hoá đã vượt "ngưỡng"

(Dân trí) - Tổng mức nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 của nước ta đã lên tới 4,78 tỉ USD, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây được xem là mức khá cao so với cùng kỳ các năm gần đây và vượt qua ngưỡng (20%) thông thường.

Thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Thương mại) ngày 4/7 cho biết: Nguyên nhân là do nhu cầu trong nước về vật tư, nguyên vật liệu và máy móc thiết bị tăng lên nhanh chóng, trong khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng không cao như cùng kỳ một số năm trước, đã dẫn đến nhập khẩu tăng nhanh và nhập siêu ở mức lớn.

So với cùng kỳ năm 2006, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng tuyệt đối 6,344 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự cân đối nhập khẩu 2,28 tỷ USD, Chính phủ cân đối hơn 4,06 tỷ USD còn lại.

Xét về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nhóm máy móc, thiết bị và phụ tùng (kể cả ô tô nguyên chiếc) tăng 1,4 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2006. Nhóm nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu cũng tăng tới 3,8 tỉ USD. Riêng thép tăng 815 triệu USD trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc 6 tháng đầu năm đã gấp đôi so với cùng kỳ năm 2006 và trong vài tháng gần đây lại liên tục tăng mạnh…

Quay trở lại nguyên nhân của việc nhập siêu tăng, có thể thấy xuất khẩu đã tăng trưởng chậm hơn nhập khẩu. Tốc độ tăng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 19,4% (giá trị là 22,455 tỉ USD), thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng nhập khẩu lại ở mức rất cao (30,4%).

Tuy nhiên, theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân quan trọng và sâu xa dẫn đến nhập siêu cao trong 6 tháng qua chính là hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước còn rất hạn chế nên không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

Để hạn chế nhập siêu, ngoài biện pháp có tính chất ngắn hạn như dùng các biện pháp phi thuế và tỉ giá thì vấn đề được nhiều ý kiến đề cập đến là phải đấy mạnh sản xuất để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu cho các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nhằm giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, giảm dần việc gia công cho nước ngoài, tăng xuất khẩu hàng đã qua chế biến…

Nguyễn Hiền