Nhập khẩu than: vì mục tiêu năng lượng hay lợi ích Tập đoàn?
(Dân trí) - Sự việc Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhập khẩu than với số lượng lớn mới đây đã khiến dư luận lo ngại. Liệu việc nhập khẩu này là để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng hay là phục vụ cho việc kinh doanh của Tập đoàn?
Căn cứ vào khả năng sản xuất và nhu cầu sử dụng thì đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu than và số lượng thiếu hụt tăng dần theo từng năm. Cụ thể là năm 2015 thiếu 5,8 triệu tấn; năm 2016 thiếu 25 triệu tấn… và đến năm 2020 lên tới 66 triệu tấn.
Như vậy, từ năm 2015, Việt Nam sẽ nhập khẩu than (khoảng 6 triệu tấn) sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng than, chủ yếu của các nhà máy điện chạy than.
PV: Nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang xuất khẩu rất nhiều than. Lý do này được giải thích thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Mạnh Hùng: Việt Nam đang xuất khẩu than antraxit. Đây là loại than có chất lượng rất tốt, giá cao. Loại than này được sử dụng như trong các lĩnh vực như: luyện kim, điện cực… trong khi Việt Nam lại không phát triển những mảng này, do đó không dùng được.
Bên cạnh đó, Vinacomin cũng xuất khẩu loại than có chất lượng rất xấu. Trước đây, loại này ở trong nước đã bỏ đi nhưng việc xuất khẩu đã giúp chúng ta không bị lãng phí mà còn kiếm được tiền. Đó chính là lý do vì sao Việt Nam vừa có xuất khẩu, vừa có nhập khẩu.
Vậy làm thế nào để mình cạnh tranh được với các nước khác khi mà Việt Nam vào cuộc chậm trong việc nhập khẩu than?
Việt Nam chắc chắn sẽ không có kinh nghiệm bằng các nước từ trước đến nay chuyên nhập khẩu than như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… Than năng lượng nhập khẩu có thể trông chờ nhập từ Indonesia, Australia.
Nhưng trong bối cảnh thị trường thế giới tới thời điểm đó sẽ trở nên khan hiếm, thị phần nhập khẩu than năng lượng của Australia, Indonesia chủ yếu đã do Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nắm giữ, nên việc đàm phán mua than với số lượng lớn là rất khó khăn.
Do đó, muốn có nguồn than lớn từ nước ngoài trong tương lai một cách ổn định thì cần phải mua mỏ (mua quyền khai thác mỏ) hoặc cổ phần sở hữu mỏ than ở nước ngoài.
Liệu Vinacomin có đủ nguồn lực, đặc biệt là tiềm lực về tài chính để tham gia vào công cuộc nhập khẩu than này?
Để đảm bảo nguồn than nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sử dụng than trong nước thì chắc chắn là phải có sự chuẩn bị tốt về tài chính. Vinacomin cùng một số Tập đoàn khác cũng đã chuẩn bị các giải pháp tài chính, chuẩn bị nguồn lực cho việc nhập khẩu than từ nước ngoài.
Ví dụ như huy động các nguồn vốn hợp pháp để phục vụ cho việc này hoặc bàn với khách hàng để có các khoản vốn ứng trước. Bên cạnh đó, trong từng trường hợp Vinacomin sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về đề xuất các giải pháp trong từng giai đoạn.
Vậy bên cạnh việc nhập khẩu thì kế hoạch triển khai các mỏ than trọng điểm của Vinacomin trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Để hạn chế việc nhập khẩu than, một số dự án đầu tư khai thác mỏ than đã và đang được Vinacomin tập trung nỗ lực để triển khai. Có thể kể đến như: Dự án đầu tư khai thác mỏ than Khe Chàm III với công suất mỏ; 2,5 triệu tấn/năm, khoảng cuối năm 2014 đầu 2015 sẽ ra than; dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo công suất: 02 triệu tấn/năm. Dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm với công suất 3,5 triệu tấn, đến năm 2017 sẽ ra sản phẩm.
Ngoài ra còn có dự án khác như: Ngã Hai Quang Hanh, mỏ Khánh Hòa và dự án khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương