Nhân Valentine, bàn chuyện làm sao để tiền không là rào cản trong hôn nhân

Nhật Linh

(Dân trí) - Tiền bạc là một trong những khía cạnh gây nhiều tranh cãi nhất trong hôn nhân. Theo một khảo sát, cứ 5 đôi thì có một đôi gặp vướng mắc về chuyện tiền bạc.

Theo cuộc khảo sát do Fidelity Investments thực hiện năm 2021 với các cá nhân ở độ tuổi từ 25 trở lên đã kết hôn hoặc sắp kết hôn, cứ 5 đôi thì có một cặp gặp vướng mắc về chuyện tiền bạc. Đôi khi vướng mắc chỉ là chuyện ai tiêu quá nhiều hoặc ai không biết tiết kiệm. Nhưng có lẽ vấn đề khó nhất là việc hợp nhất tài chính giữa hai người. Liệu có tốt hơn nếu tiền ai người đó tiêu? Và nếu gộp lại thì ai là người theo dõi việc chi tiêu và tiết kiệm?

Nhân Valentine, bàn chuyện làm sao để tiền không là rào cản trong hôn nhân - 1

Tiền bạc là một trong những khía cạnh gây nhiều tranh cãi nhất trong hôn nhân (Ảnh minh họa: Graceful Abandon).

Tất nhiên, không có tiêu chuẩn nào cho việc các cặp vợ chồng phải phân chia và thực hiện nghĩa vụ tài chính của mỗi người như thế nào. Cách thức phân chia và việc ra quyết định phụ thuộc vào khả năng tài chính hiện có, sở thích cũng như sự sẵn lòng của đối tác. Một số người muốn phân chia theo 50/50, nghĩa là mỗi bên góp một nửa. Trong khi đó, có những người lại yêu cầu đối tác đóng góp dựa trên những điểm mạnh của họ. Ví như một người giỏi về tính toán thu chi, trong khi người kia lại không quan tâm lắm đến vấn đề tiền bạc.

Dưới đây là những cách tiếp cận khác nhau của các cặp vợ chồng mà tờ Wall Street Journal đã khảo sát từ các cố vấn chuyên môn, học giả nghiên cứu hành vi tài chính và chính độc giả của tờ báo.

"Tiền anh, tiền tôi"

Bà Ashley Whillans, trợ lý giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard

Không giống như nhiều người khác, khi chúng tôi kết hôn, tôi và chồng tôi quyết định không gộp chung tài chính. Mặc dù có một số nghiên cứu cho thấy sự kết hợp về mặt tài chính có thể thúc đẩy sự hài lòng trong mối quan hệ nhưng chúng tôi thích cảm giác kiểm soát cá nhân hơn khi duy trì các tài khoản ngân hàng riêng.

Chúng tôi dùng một công cụ theo dõi chi tiêu để chia đều hóa đơn và các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Khi mua những đồ dùng cá nhân như quần áo mới, trò chơi điện tử, chúng tôi đều mua bằng tiền riêng của mình. Điều đó có nghĩa chúng tôi không phải xin phép đối tác để mua những món đồ đắt tiền hay những món đồ mà mình thích. Quan trọng là, cách tiếp cận giữ tiền riêng không có nghĩa là chúng tôi không đề cập đến các quyết định tài chính. Khi đề cập đến những quyết định lớn như đầu tư hay mua nhà chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra quyết định. Chúng tôi cũng thảo luận việc mua sắm các đồ dùng hàng ngày cho gia đình bằng tiền chung dù mỗi người có tài khoản riêng.

Chia thành 3 gói khác nhau

Ông Ted Jenkin, đồng giám đốc điều hành và người sáng lập của oXYGen Financial ở Savannah, Ga:

Trong gia đình chúng tôi, tất cả đều thiết lập theo chiến lược "chia để trị" trong khi vẫn duy trì sự độc lập về tài chính của mỗi người. Chúng tôi kết hợp thu nhập của mình và cơ bản chia thành 3 gói hàng tháng sau khi đã tiết kiệm 20% thu nhập.

Gói thứ nhất là một tài khoản chung được sử dụng để thanh toán hóa đơn hàng tháng. Gói này chiếm khoảng 70% thu nhập.

Gói thứ 2 chiếm khoảng 5% là tài khoản tiết kiệm mà vợ chồng tôi dành để mua quà tặng, vật dụng cá nhân và giải trí.

Gói thứ 3 cũng khoảng 5% thu nhập là một tài khoản tiết kiệm cho phép tôi làm điều tương tự tài khoản 2.

Tạo cho đối tác một không gian tài chính an toàn mà họ có thể có một số tiền để làm gì họ muốn mà không cần phải xin phép thực sự rất quan trọng để thiết lập một cuộc hôn nhân bền vững khi đề cập đến chuyện tiền bạc.

Vợ tôi là giám đốc tài chính, quản lý việc thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Cô ấy cũng phụ trách việc thay đổi các nhà cung cấp nếu cảm thấy phù hợp. Còn tôi là giám đốc đầu tư, chịu trách nhiệm chọn các kênh đầu tư, quản lý bất động sản và phân bổ quỹ lương hưu. Chúng tôi cùng nhau đưa ra các quyết định tài chính liên quan đến con cái cho dù đó là phụ cấp, tiền điện thoại hay thẻ tín dụng mà chúng sử dụng.

Chúng tôi đóng vai trò là đồng giám đốc điều hành khi vạch ra các mục tiêu tài chính cho gia đình. Mỗi năm chúng tôi sẽ đánh giá mục tiêu của mình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, giá trị tài sản ròng và khả năng chi tiêu ra sao. Chúng tôi xem xét kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo chúng đang đi đúng hướng cho các mục tiêu như con học đại học và nghỉ hưu. Khi có mối quan hệ cởi mở và minh bạch về tiền bạc, chúng tôi giảm thiểu được các tranh cãi và phân biệt, tập trung tối đa hóa các mục tiêu tài chính chung.

Tất cả đều ở dạng tiền hôn nhân

Độc giả Jessica Moran tại Fullerton, California (Mỹ):

Tôi và chồng tôi đã có một thỏa thuận tiền hôn nhân và cả hai phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của chính mình. Bởi vì chúng tôi đang sống trong một căn hộ của chồng tôi nên anh ấy trả tiền vay thế chấp. Còn tôi trả tiền phí và mua hàng hóa tiêu dùng. Tôi cũng chịu trách nhiệm trả tiền mua xe và bảo hiểm cho chiếc xe của mình. Tôi thu tiền thuê nhà từ nhà cũ của mình. Cả hai chúng tôi đều có tài sản riêng trước khi kết hôn và anh ấy cũng có con từ cuộc hôn nhân trước vì vậy cách sắp xếp này rất hợp lý cho chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng riêng. Ngoài ra chúng tôi cũng có tài khoản hưu trí riêng.

Khi chúng tôi cùng nhau mua nhà (hiện đang được xây dựng), chúng tôi cũng sẽ duy trì như cách hiện tại, trừ khoản thế chấp, chúng tôi sẽ chia khoản thanh toán thế chấp tương ứng với tiền lương của chúng tôi. Nếu cuối cùng chúng tôi bán nhà, chúng tôi sẽ chia số tiền theo khoản đóng góp của mỗi người.

Họp về tài chính hàng tháng

Bà Grant E. Donnelly, trợ lý giáo sư marketing và logistic tại Đại học Kinh doanh Fisher thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ):

Tôi và chồng tôi đã có hơn 10 năm chung sống và chúng tôi hợp nhất tài chính kể từ khi kết hôn vào năm 2015. Như một truyền thống là cứ vào ngày đầu tiên của tháng chúng tôi nói chuyện về tài chính khi lập kế hoạch chi tiêu trên một bảng tính được chia sẻ trên Google.

Trong bảng tính, mỗi hàng đại diện cho một danh mục mua hàng nhỏ hơn như hàng tạp hóa, giải trí, quần áo mà chúng tôi dành ra một khoản tiền cho mỗi tháng. Sau đó, chúng tôi ghi lại trên bảng tính mỗi khi mua hàng và thường không thảo luận gì về các giao dịch này trừ phi những khoản chi bất ngờ và quá lớn (như hóa đơn nha khoa).

Trong cuộc họp tài chính hàng tháng, chúng tôi sẽ đánh giá xem chúng tôi đã thực hiện chi tiêu ra sao để có điều chỉnh trong tháng tiếp theo. Trong năm nay, chúng tôi đã thêm vào 2 danh mục mới cho kế hoạch chi tiêu, một là chi tiêu cá nhân cho tôi và một cho anh ấy. Những tài khoản này cho phép chúng tôi thoải mái chi tiêu mà không nhất thiết phải thông báo (bởi nó có thể làm hỏng sự bất ngờ khi chúng tôi tặng nhau những món quà trong kỳ nghỉ).

Mới đầu việc theo dõi chi tiêu rất khó khăn. Nhưng sau đó nó đã nhanh chóng trở thành nguồn sức mạnh, khuyến khích chúng tôi thường xuyên cùng nhau hướng tới cuộc sống mà chúng tôi mong muốn và cách chúng tôi có thể sử dụng tiền để đạt được điều đó.

Góp tiền chung (trừ hưu trí)

Ông George Papadopoulos, nhà hoạch định tài chính ở Novi, Mich:

Tôi được phân công làm giám đốc tài chính của gia đình. Tôi nhớ khi tôi gặp vợ và đề nghị thuê một người lập kế hoạch tài chính để có cái nhìn mới mẻ hơn về kế hoạch tài chính cho gia đình, cô ấy nói rằng: "Đây không phải là việc của anh sao?".

Chúng tôi gộp chung cả hai khoản thu nhập vào một tài khoản chung để thanh toán các chi phí. Từ tài khoản này, hàng tháng chúng tôi trích ra một khoản đến tài khoản tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn. Một số khoản đến các tài khoản môi giới cho mục tiêu dài hạn. Mỗi người cũng đều có một kế hoạch hưu trí riêng do tôi quản lý.

Hàng năm chúng tôi sẽ ngồi lại và xem xét các tài khoản mà chúng tôi có. Vợ tôi sẽ nhận được một bản báo cáo dài 1 trang cùng các bản sao báo cáo số dư vào ngày 31/12 của mỗi tài khoản. Để hài hòa về tài chính, chúng tôi có một tài khoản khác trong cùng một ngân hàng trực tuyến để vợ tôi có thể chi tiêu những gì mà cô ấy muốn. Tôi thấy rằng cách tiếp cận này là phù hợp với chúng tôi, hài hòa và đơn giản. Và hãy luôn nhớ tạo điều kiện cho vợ hay chồng mình dễ dàng hơn trong những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Theo Wall Street Journal