Nhãn lồng tiến Vua vươn danh thế giới
(Dân trí) - Cứ đến mùa lại lên, thời điểm thu hoạch nhãn là lúc người dân Hưng Yên tự hào nghêu ngao câu hát: "Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên". Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, nhưng phải 'bén duyên' với vùng đất màu mỡ nơi đây mới được xem là sản vật quý.
Huyền thoại Nhãn tiến Vua
Ai sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hưng Yên chắc chắn đều gắn bó với thứ quả đặc trưng này. Tuổi thơ của những người dân nơi đây là mùa xuân với nhãn trổ hoa khi thời tiết bắt đầu có mưa phùn và se lạnh. Để rồi khi những vệt nắng đầu tiên chiếu rọi, hương thơm nhãn lồng làm say đắm bất cứ người nào đi ngang qua. Tuy nhãn đã được trồng ở khắp mọi miền Tổ Quốc, nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon bậc nhất không chỉ bởi chất lượng mà còn vì huyền thoại của tên gọi "nhãn tiến Vua".
Ở chùa Hiến (thị xã Hưng Yên) có cây nhãn cổ thụ, người dân trìu mến và cung kính gọi bằng cái tên "nhãn tổ". Cây nhãn có tuổi thọ lâu đời này được xem là biểu tượng tinh thần và được dựng bia ghi danh. Những huyền thoại nơi đây truyền lại rằng, xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt cảm thấy đắm say. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua.
Tin lành đồn xa, nhãn lồng Hưng Yên từ đó trở nên nổi danh khắp kinh thành. Từ đó, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn dâng lên cho vua nên nhãn lồng ở vùng đất Hưng Yên còn được biết đến với tên gọi "nhãn tiến Vua". Sản vật quý giá này còn theo chân các thương lái đến xứ sở Nhật Bản với số lượng vô cùng lớn vào thế kỷ XVI-XVII.
Nỗ lực giữ danh nhãn lồng
Đối với người nông dân, nhãn lồng khi chỉ là một sản vật nổi tiếng mà còn là một "thương hiệu" độc quyền mang nét đặc trưng, là hơi thở, là niềm tự hào của đất và người nơi đây. Một vùng đất bạt ngàn nhãn nhưng lại bị đe doạ trước sự bấp bênh của thị trường. Người nông dân phải đối mặt quá nhiều rủi ro. Một tháng trước đây, loại nhãn "đội lốt" nhãn lồng Hưng Yên được rao bán vô cùng rẻ, khiến người dân cũng phải lao đao trước giá thành dự kiến sẽ giảm.
Tuy nhiên, người Hưng Yên gắn bó với cây nhãn như máu thịt, dù "đổ mồ hôi sôi nước mắt" nhưng vẫn bám đất bám người mà gây dựng cơ ngơi của cha ông. Vì thế, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân trồng nhãn lồng Hưng Yên đã có tư duy sản xuất mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm tạo ra hướng đi bền vững, nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương theo quy chuẩn nghiêm ngặt của Vietgap.
Theo đó, người nông dân áp dụng quy trình sản xuất sạch VietGAP khép kín từ khâu trồng đến khi thu hoạch, tuân thủ nghiêm ngặt không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm và phải bảo đảm cách ly sản phẩm 21 ngày trước thu hoạch. Nămnay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năm nay nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao nên dự kiến toàn tỉnh thu được khoảng 41.000 tấn nhãn quả, tăng 30% so với năm 2017.
Nhãn lồng tiến Vua vươn danh thế giới
Giữ vai trò chủ lực trong giao thông hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đã khẳng định vị thế của mình không chỉ là hãng hàng không đóng góp vào kinh tế nước nhà mà còn là cầu nối văn hoá, đem những giá trị Việt đến cho những bạn bè năm châu. Chính vì tôn chỉ này, Vietnam Airlines quyết định đem đặc sản nhãn lồng Hưng Yên phục vụ như món tráng miệng trên khay ăn hạng Thương Gia của các đường bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội/Tp. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ 15/8/2018 đến 15/9/2018.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng và dịch vụ đúng chuẩn 4 sao của Vietnam Airlines, những trái nhãn lồng được đưa vào thực đơn các bữa ăn trên chuyến bay đó sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi ngon, trái nhãn quả to và đồng đều, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, đặc biệt là hành khách nước ngoài sẽ được thưởng thức đặc sản tiến Vua trứ danh ngon ngọt, căng mọng và thơm dịu dàng. Đây có thể ví như "cú chạm văn hoá" đầu tiên mà Vietnam Airlines mang đến cho khách hàng mình như một lời chào thân tình đón chân họ đến vùng đất chữ S đầy tự hào này.
Suy xét kỹ, chính sách này của Vietnam Airlines còn là sự tiếp sức cho người nông dân, cổ động họ tiếp tục gắn lòng với đặc sản quê hương với mục tiêu xây dựng và giữ vững thương hiệu vươn tầm quốc tế. Như vậy, Vietnam Airlines một lần nữa trở thành đại sứ văn hoá cho thêm một vùng miền của đất nước, xứng danh là “Hãng hàng không dẫn đầu thế giới về Bản sắc văn hóa” với những nỗ lực không ngừng phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam ra khắp thế giới.
Nhật Minh