Gia Lai

Nhận không hơn 50.000 ha đất rừng nghèo, doanh nghiệp vẫn nợ ngân sách

(Dân trí) - Theo báo cáo của HĐND tỉnh Gia Lai, sau khi nhận rừng nghèo để chuyển đổi trồng cao su, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa phải nộp một đồng vào ngân sách nhà nước về đất và vẫn còn nợ ngân sách hơn 8 tỷ đồng tiền bán gỗ, củi tận thu.

Báo cáo cho biết, theo quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trên địa bàn 13 huyện, thị, thành phố tỉnh Gia Lai được chuyển từ đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo chuyển sang trồng cao su với diện tích 66.457 ha, trong đó đất rừng tự nhiên nghèo 51.547 ha.

Đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo với diện tích hơn 32.555,6 ha. Hiện diện tích đất được trồng cao su là hơn 25,547 ha, còn hơn 7.008,2 ha đất khai hoang chưa trồng, chưa khai hoang là 4.913,5 ha.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi một phần diện tích được giao trồng cao su sang mở trang trại bò, trồng mía… Còn nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn vì không có đất sản xuất.

Nhận không hơn 50.000 ha đất rừng nghèo, doanh nghiệp vẫn nợ ngân sách
hàng chục nghìn ha rừng nghèo bị phá để trồng cao su, sau đó các doanh nghiệp lại phá cao su để nuôi bò, trồng mía

Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp đã phá vỡ quy hoạch, và đang có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, cử tri nhiều huyện đang mong muốn những diện tích đất giao cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng chưa trồng thì giao lại cho người dân canh tác.

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, sau 7 năm triển khai dự án, đến nay dự án vẫn chưa đạt được hiệu quả về kinh tế xã hội, chưa đạt được các mục tiêu để ra như: giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở hạ tầng. Thậm chí, còn xảy ra tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp ở một số nơi.

7 năm qua, từ khi dự án được triển khai, theo quy định các doanh nghiệp vẫn chưa phải nộp một đồng nào vào ngân sách nhà nước về đất. Trong khi đó, tiền từ việc bán gỗ, củi tận thu trên diện tích chuyển rừng nghèo sang đất lâm nghiệp vẫn còn nợ ngân sách hơn 8 tỷ đồng.

Nguyên nhân của sự việc trên, HĐND đánh giá là do triển khai dự án còn chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích để đạt số lượng, diện tích. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng thực hiện mục đích và cam kết của dự án như ban đầu.

Thiên Thư


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”