Nhà thuốc hết khẩu trang, chợ online loạn giá: Sao lại thế?

Nhà thuốc không có khẩu trang để bán, trong khi mặt hàng này vẫn tràn trên chợ mạng và ở trong tình trạng loạn giá.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng nhu cầu của người dân tăng cao, đến thời điểm này nhiều nhà thuốc tại Hà Nội đã hết khẩu trang bán cho khách và cũng không biết khi nào mới có hàng để bán.

Trong khi đó, mặt hàng này vẫn tràn trên các trang bán hàng online với đủ các loại: 3M, N95, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn 3D của Nhật... và ở trong tình trạng loạn giá. 

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn quản lý nắm bắt tình hình sâu sát để làm rõ thực trạng cung-cầu, thừa hay thiếu khẩu trang. Tuy nhiên, ông tin rằng, sự rối loạn trên thị trường khẩu trang hiện nay xuất phát trước hết từ tâm lý lo lắng, sợ hãi của người dân trước dịch bệnh. 

Theo đó, trước tình hình dịch bênh lây lan, kéo dài, người tiêu dùng ai cũng lo lắng, và để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, họ không tiếc tiền, sẵn sàng mua hàng chục, hàng trăm chiếc khẩu trang tích trữ trong nhà để dùng dần.

Vậy nhưng, không phải người dân nào cũng nắm rõ khẩu trang nào dùng 1 lần, khẩu trang nào có thể dùng nhiều lần, ai cần dùng, dùng như thế nào... Vậy nên có người hoàn toàn khỏe mạnh, ở trong môi trường không cần phải đeo khẩu trang mà vẫn cứ đeo dẫn đến nhu cầu về khẩu trang vô cùng lớn.

Nhà thuốc hết khẩu trang, chợ online loạn giá: Sao lại thế? - 1

Khẩu trang trên thị trường online loạn giá

Trong khi phía sản xuất không phải khan hiếm nguyên liệu đến mức không sản xuất được khẩu trang nhưng người sản xuất chỉ biết sản xuất, không nắm được hệ thống phân phối. Thế nên, trong khi hệ thống phân phối chính thức là các cửa hàng, hiệu thuốc treo biển hết hàng thì người chào bán khẩu trang vẫn đầy rẫy trên mạng mà không ai kiểm soát.

"Mặt hàng nào cũng vậy, mà nông sản là một ví dụ điển hình. Nông dân chất đống nông sản không tiêu thụ được nhưng siêu thị vẫn kêu không có hàng để bán. Điều đó có nghĩa lĩnh vực phân phối, bán hàng ở Việt Nam không được tổ chức, không được lo liệu đến nơi đến chốn, dẫn đến rối loạn trong khâu phân phối. 

Với mặt hàng thịt lợn, thời gian qua, dù đã có chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn xuống nhưng đến nay giá thịt vẫn duy trì ở mức cao, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm nhỏ giọt. Cuối cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phải yêu cầu doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức, nếu không sẽ xử lý thì doanh nghiệp mới thực hiện.    

Đối với khẩu trang, bởi thấy ăn hàng, bán có lãi thì người người đổ xô đi bán, rồi găm hàng chờ giá cao hay tạo khan hiếm giá để nâng giá. 

Đó là sự yếu kém của hệ thống thương mại Việt Nam. Thương mại Việt Nam nhỏ lẻ nên thiếu tổ chức, tự do cạnh tranh một cách hỗn loạn", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, trước đây có tâm lý cho rằng Nhà nước phải sắp xếp lĩnh vực thương mại, nhưng thực tế Nhà nước có quá nhiều việc phải lo, trong khi gần 100 triệu dân lại có nhu cầu rất đa dạng, phong phú.

Hiện đã mở ra cho tư nhân làm, nhưng tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu những tập đoàn lớn, có uy tín, thương hiệu, có thể chi phối bán lẻ.

"Chính các doanh nghiệp lớn sẽ thiết lập hệ thống bán lẻ và họ sẽ chi phối, chỉ huy hệ thống ấy. Trong một chuỗi ấy, các cửa hàng nhỏ lẻ không thể tùy tiện nâng hay hạ giá được. Ở các nước đều làm như vậy nên dù có dung lượng hàng hóa lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần thì họ vẫn quản lý được.

Còn Việt Nam chưa có được những hệ thống, những chuỗi cung ứng do các tập đoàn lớn chi phối như thế. Ở ta vẫn thiên về mệnh lệnh hành chính, mà mệnh lệnh ấy giờ không còn "thiêng" nữa, trong khi vẫn chưa học được cách hoạt động theo cơ chế thị trường dẫn đến mọi thứ tự phát.

Cũng bởi thiếu cơ chế, chính sách tổ chức hoạt động thị trường, hoạt động tiêu thụ hàng hóa nên chỉ cần vài nhà buôn Trung Quốc đến địa phương nào đó của Việt Nam kích hoạt theo kiểu của họ lập tức có thể làm rối hệ thống thu mua ở địa phương.

Cũng bởi vậy mà các mặt hàng nông sản gặp khó một chút là hô hào giải cứu, trong khi đáng lý ra nếu có sẵn hệ thống tiêu thụ hàng hóa, có sẵn chuỗi giá trị thì chỉ cần đẩy mạnh hoạt động của các chuỗi đó là có thể đẩy hàng đi, đảm bảo thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ

Với khẩu trang, dù cung-cầu chưa hẳn đã lệch nhưng bởi tâm lý lo lắng, sợ hãi của người tiêu dùng, bởi tâm lý trục lợi của người kinh doanh nhỏ lẻ nên mặt hàng này bị đẩy giá lên cao", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích và khẳng định cần thiết lập một hệ thống quản lý đúng quy luật khách quan, đúng cơ chế thị trường.

Riêng với mặt hàng khẩu trang, theo vị chuyên gia, trước hết cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết ai cần đeo, đeo lúc nào, các các loại khẩu trang nào, sử dụng ra sao...  Điều quan trọng là giúp cho người dân không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhưng cũng không hốt hoảng đến mức đổ xô đi mua khẩu trang, đi mua thuốc sát khuẩn, dùng không đúng cách...

Về phía sản xuất phải cạnh tranh lành mạnh, tổ chức hệ thống cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, chuỗi giá trị... theo cơ chế thị trường. Mà cơ chế thị trường, như đã nói, nghĩa là người sản xuất phải có hệ thống bán hàng của họ, chi phối hệ thống ấy. Có như vậy hàng mới không bị loạn giá, khó quản lý được... 

Theo Thành Luân

Đất Việt