Xung quanh vụ pin Con Thỏ trong chai Splash:

Nhà sản xuất và người tiêu dùng, ai chạy theo ai?

(Dân trí) - Trước Tết Nguyên đán, Dân trí đã đưa thông tin về việc một người dân tình cờ phát hiện trong chai nước cam ép Splash của hãng Cocacola có viên pin Con Thỏ. Cocacola đã từ chối chấp nhận chai nước này do mình sản xuất, vậy bằng cách nào viên pin tiểu có thể “chui” lọt vào trong chai nước?

Cocacola kiên quyết không “bồi thường”

Vụ việc có thể tóm tắt như sau, đầu tháng 2/2007 anh Nguyễn Văn Trung, chủ hàng “Lẩu vịt cỏ, vịt om sấu” ở 69 Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội vô tình phát hiện ra một chai nước cam ép Splash có viên pin tiểu Con Thỏ bên trong.

Ngày 8/2, trong cuộc điện thoại trao đổi giữa đại diện gia đình và hãng Cocacola, phía gia đình đề nghị hãng “đánh đổi” sự phát hiện ấy bằng một phần quà phần quà trị giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên ngay sau đó, Cocacola đã từ chối yêu cầu này.

Hai công văn gửi báo Dân trí vào ngày 13/2 và 2/3 do Tổng giám đốc khu vực miền Bắc David Wigglesworth ký, Cocacola đều khẳng định theo chính sách của công ty và theo quy định của pháp luật hiện hành, hãng không thể đáp ứng yêu cầu hỗ trợ phần quà tương đương 50 triệu cho gia đình anh Trung.

Theo phía Cocacola, chai nước không có mã thể hiện ngày sản xuất, không có hạn sử dụng, vì vậy hãng không thể khẳng định được đó là sản phẩm của công ty sản xuất. “Chúng tôi tin tưởng rằng sản phẩm mà ông Trung đang sở hữu hoàn toàn không phải do công ty chúng tôi sản xuất, vì thế chúng tôi rất mong sản phẩm trên được kiểm định tại một trung tâm kiểm định độc lập để vấn đề được sáng tỏ”, ông David Wigglesworth xác nhận.

Hãng này đã đề nghị gia đình cho mang chai nước về kiểm tra. Tuy nhiên, gia đình anh Trung chỉ đồng ý khi có sự tham gia của báo giới và các cơ quan hữu quan. Hiện chai nước ngọt vẫn được lưu giữ tại gia đình anh Trung.

Viên pin vào chai nước bằng cách nào?

Phóng viên Dân trí đã liên hệ với nhà máy sản xuất Cocacola chi nhánh Hà Tây ở địa chỉ Km17, quốc lộ 1, Duyên Thái - Thường Tín để tìm hiểu quy trình sản xuất nước ngọt đóng chai ở đây. Tuân theo quy định của hãng, chúng tôi không được phép mang vào máy ảnh, máy quay phim...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Giám đốc sản xuất toàn quốc Cocacola cho rằng, với công nghệ sản xuất và dây chuyền thiết bị hiện có của nhà máy thì không thể có chuyện viên pin chui lọt chai nước mà không bị phát hiện.

Theo bà Diễm, nhìn từ góc độ khoa học, trong dây chuyền sản xuất thì viên pin chỉ có thể chui lọt được vào chai nước bắt đầu từ khâu rửa chai.

Tuy nhiên, điều ấy là không thể bởi quá trình rửa một vỏ chai kéo dài ít nhất 30 phút, qua nhiều công đoạn, nhiều bộ phận kiểm tra và đặc biệt là được ngâm trong những dung dịch hoá học đặc biệt, rửa bằng những vòi nước có áp suất cực lớn. Bản vẽ mô tả quá trình súc rửa một chai nước cho thấy, không thể có dị vật nào có thể “nán lại” được trong chai.

Tuy nhiên, ông Lâm Bình Vũ, Giám đốc kỹ thuật và chất lượng Cocacola khu vực Đông Dương tiếp tục đưa ra giả thuyết, giả sử qua khâu súc rửa mà viên pin vẫn nằm nguyên vẹn trong chai.

Khi ấy đến khâu chiết nước vào chai, khâu này kéo dài 45 phút ở nhiệt độ rất cao. Chắc chắn hoá chất trong pin sẽ phản ứng với nước và lập tức làm biến mầu chai nước. Người kiểm soát ở khâu cuối cùng sẽ phát hiện được ngay.

Nhà sản xuất và người tiêu dùng, ai chạy theo ai? - 1
  

Cocacola không thừa nhận
chai nước Splash có pin Con
Thỏ (trái) là do hãng sản xuất.

Đại diện nhà sản xuất thừa nhận, vỏ chai nước và nắp là của Cocacola. Tuy nhiên, theo ông Lâm Bình Vũ, rất có thể có khả năng chai nước đã được mở nắp bằng thiết bị chuyên dụng, thả viên pin vào và sau đó đóng nắp như cũ.

Khả năng này có thể xảy ra khi có kẻ xấu muốn hạ uy tín Cocacola. Mặc dù vậy, hiện tại hãng có thể kiểm tra tình trạng chai đã từng mở nắp hay chưa bằng một thiết bị chuyên dụng đặc biệt và duy nhất đặt tại TPHCM.

Nhà sản xuất chạy theo người tiêu dùng, hay ngược lại?

Sở dĩ Cocacola không thừa nhận chai nước do hãng sản xuất, là do trên vỏ chai không có mã ngày sản xuất, không có hạn sử dụng bởi bất cứ sản phẩm nào của Cocacola khi xuất xưởng đều có hạn sử dụng, mã sản xuất in trên vỏ chai.

Theo bà Diễm, với chai Splash, mực in trên vỏ chai là loại đặc biệt được nhập về từ Mỹ, có độ bám dính 100% và khó có khả bong tróc, không thể tẩy xoá, nếu người sử dụng không cố tình xoá bằng vật cứng.

Việc ấy có nghĩa là, những chai nước Splash hoặc bất kể sản phẩm nào khác của Cocacola khi đem khiếu kiện lên hãng đều phải còn dòng chữ thể hiện ngày tháng sản xuất, thời hạn sử dụng. Bất kỳ sản phẩm nào mang thương hiệu Cocacola trên vỏ, nếu không có niên hạn sản xuất, hãng sẽ từ chối chấp nhận.

Tuy nhiên trên thực tế, dòng số thể hiện hạn sử dụng in trên cổ chai Splash ở tất cả các đại lý và chính tại trụ sở Cocacola Hà Tây đều rất dễ cạo hoặc làm mờ. Đặc biệt, khi tay ướt hoặc có mồ hôi nắm vào thì chữ số rất dễ mờ hoặc “bay” hẳn. Rất nhiều trong số những vỏ chai Splash thu về của Cocacola tại cơ sở sản xuất Hà Tây cũng trong tình trạng không còn số hoặc bị mờ dòng số trên.

Hiện Cocacola chưa phát hiện thêm “sự cố Splash” hoặc chai Splash giả nào trên thị trường. Cocacola cũng cho biết, ngoài dòng chữ thể hiện hạn sản xuất, hãng cũng có một vài đặc điểm khác để nhận diện sản phẩm có phải của mình hay không. Tuy nhiên, điều này là bí mật, không thể... tiết lộ cho người sử dụng vì như thế sẽ vô tình làm cơ sở cho nạn hàng nhái.

Và như thế, rõ ràng người tiêu dùng đang phải chạy theo nhà sản xuất. Khi mua một sản phẩm Cocacola, muốn biết sản phẩm đó có chính hãng hay không, không lẽ phải mang tới... hãng để kiểm chứng?

Bảo Trung