Thái Bình:
Nhà máy 6 triệu USD rơi vào cảnh “sống mòn”
(Dân trí) - Trung tâm Chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn được đầu tư 6 triệu USD với mục tiêu đưa hạt gạo Việt Nam trở thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu. Thế nhưng do thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đã rơi vào tình trạng “sống mòn".
Số phận của một dự án triệu đô
Năm 1997, Trung tâm chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD, trong đó vốn do Chính phủ Đan Mạch viện trợ 5 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Thái Bình.
Theo thiết kế công suất chế biến 27.000 tấn gạo/năm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và mỗi năm thu về cho tỉnh hơn 10 triệu USD, giảm tổn thất sau thu hoạch cho mỗi hộ nông dân khoảng 5%.
Đây được coi là nhà máy chế biến gạo chất lượng cao hiện đại nhất Việt Nam với các thiết bị xử lý đắt tiền nhập ngoại như: Đan Mạch (hệ thống máy sấy, băng tải), Pháp (nồi hơi), Đức (máy xay xát, sàng, đánh bóng), Nhật Bản (tách màu)...
Đầu năm 2000 khi chạy thử dây chuyền đã xuất hiện trục trặc, do sự khập khiễng của thiết bị. Sản phẩm gạo không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu để xuất khẩu. Không những vậy, nhà máy mới chạy thử 1.000 tấn thì đã lỗ 200 triệu đồng.
Qua kiểm tra các chuyên gia đã phát hiện nguyên nhân, hệ thống máy xay xát, đánh bóng của Đức dù rất hiện đại và đắt tiền nhưng không phù hợp để chế biến hạt gạo Thái Bình. Để giải quyết, toàn bộ số máy trên được tháo dỡ xếp vào... kho, thay thế bằng hệ thống gồm 6 máy xát và 4 máy đánh bóng hiệu Sinco do Việt Nam sản xuất.
Tháng 10/2002, nhà máy vận hành thử lần hai nhưng lại nảy sinh khó khăn mới không có nguyên liệu đầu vào do chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu tại 3 huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ như trong đề án quy hoạch.
Sau đó, nhà máy được tạm giao cho Công ty Chế biến và kinh doanh lương thực Thái Bình (nay là Công ty cổ phần Lương thực Thái Đan) quản lý, khai thác. Tuy nhiên, nhà máy cũng chỉ hoạt động theo kiểu cầm chừng.
Theo thống kê, từ khi nhà máy được giao cho Công ty, công suất hoạt động rất khiêm tốn: năm 2003, xay xát được 522 tấn thóc và gia công 330 tấn gạo nếp xuất khẩu; năm 2004, xay xát được 490 tấn thóc và gia công gần 2.000 tấn gạo... 9 tháng đầu năm 2006, xay xát được 700 tấn gạo.
Nhà máy hoạt động cầm chừng, đầu tư cao, chiết khấu lớn, lãi mẹ đẻ lãi con nên đến thời điểm này nhà máy còn nợ Ngân hàng Đầu tư Thái Bình gần 11 tỷ đồng. Trong khi đó quyền sở hữu chính thức nhà máy chưa được xác định nên Công ty không thể vay vốn ngân hàng mà chủ yếu là gia công cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng đầu tư không hiệu quả là do hệ thống máy móc quá hiện đại, điện năng tiêu hao lớn dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội lên quá cao, không cạnh tranh được với thị trường trong nước.
“Trách nhiệm để trên họ kiểm”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Đình Thạch, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình thừa nhận, đây là một dự án kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu khi lập dự án.
“Chủ quan nghĩ rằng cả vùng đồng bằng sông Hồng này thì thiếu gì gạo nhưng cái máy này nó lại rất hiện đại, nếu anh không sản xuất lúa hàng hoá tập trung sẽ không có đủ nguyên liệu để cung cấp. Trong khi đó, khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hộ nông dân làm chủ, cấy cái gì là quyết định của người ta. Điều này dẫn đến tình trạng thóc gạo thì dư thừa nhưng về chủng loại lại không đáp ứng được” - ông Thạch chưa xót.
Để khắc phục tình trạng này, hiện tỉnh đã giao cho Công ty cổ phần lương thực Thái Đan cùng với các huyện quy hoạch những vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung, bố trí đảm bảo cơ cấu giống cho ra một chủng loại sản phẩm nhằm phát huy công xuất. Ngoài ra, tăng cường ký kết với các tỉnh xung quanh để gia công cho họ.
Việc chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu cũng như nghiên cứu kỹ mức độ phù hợp của hệ thống máy móc hiện đại đã dẫn đến tình trạng đầu tư không hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình trong việc này ông Hoàng Đình Thạch nói: “Cái đó hỏi Bộ Kế hoạch & Đầu tư với Chính phủ, còn đặt ở tỉnh này thì tốt quá, tỉnh nhận ngay. Còn về phía tỉnh, cái này do các anh khoá trước làm, mình cũng không nắm được, mình chỉ là người chỉ đạo thực hiện thôi. Còn trách nhiệm thuộc về ai thì để trên họ về kiểm”.
Thái Bình