Nhà mạng hàng đầu Trung Quốc bị chính quyền Trump ‘nung nấu’ ý định cấm cửa

(Dân trí) - Hàng loạt các cơ quan điều hành của Mỹ đang yêu cầu cấm cửa China Telecom - một trong những nhà mạng lớn nhất của Trung Quốc vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.

Bộ Tư pháp Mỹ cùng với các chính quyền liên bang khác đang kêu gọi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hủy bỏ giấy phép ủy quyền cung cấp dịch vụ viễn thông đến và đi từ Mỹ của công ty viễn thông China Telecom vì vấn đề an ninh mạng quốc gia.

Nhà mạng hàng đầu Trung Quốc bị chính quyền Trump ‘nung nấu’ ý định cấm cửa - 1
Gian hàng trưng bày của China Telecom tại Hội nghị 5G Toàn cầu 2019 hồi tháng 11 năm ngoái tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

John Demers, trợ lý Tổng chưởng lý An Ninh Liên bang Mỹ khẳng định vai trò to lớn của mạng viễn thông: “Ngày này, hơn bao giờ hết, cuộc sống của cá nhân cho đến mọi quốc gia trên thế giới đều phụ thuộc vào các mạng viễn thông.” Chính vì thế, vấn đề an ninh quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác viễn thông mà nước Mỹ đang hợp tác.

Công ty Viễn thông Telecom được FCC cấp phép hoạt động từ năm 2007. Tuy nhiên, hiện chính quyền Mỹ cho rằng công ty này đang vi phạm những điều khoản đã kí kết trong hợp đồng với liên bang Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, đây chính là động thái mới nhất của cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc.

Năm ngoái, Huawei - tập đoàn sản xuất công nghệ mạng lớn nhất thế giới, đã bị liệt vào danh sách đen của chính phủ Mỹ. Washington khẳng định đế chế khổng lồ này của Trung Quốc đã bị phía Bắc Kinh sử dụng với vai trò gián điệp.

Cũng trong năm ngoái, FCC đã bỏ phiếu kín cấm một công ty quốc hữu khác của Trung Quốc - China Mobile, một công ty cung cấp dịch vụ tại Mỹ với lý do tương tự.

Chính phủ Mỹ đã liệt kê hàng loạt các vi phạm mà China Telecom gây ra từ ‘phát triển an ninh không gian mạng quốc gia từ 2007’ cho đến việc thu thập thông tin quốc gia bảo mật nhằm tấn công nước Mỹ.

Theo các cơ quan chính phủ Mỹ, China Telecom có thể trở thành công cụ để Trung Quốc kiểm soát.

Việc quốc gia trên thế giới nào sẽ nắm quyền kiểm soát 5G - cơ sở hạ tầng di động tiên tiến nhất tính đến thời điểm hiện tại, là một trong những vấn đề được Mỹ rất quan tâm. 5G được coi là một trong số những bước tiến có triển vọng nhất với tốc độ siêu nhanh và khả năng củng cố tốt.

Mỹ đang lo ngại rằng Trung Quốc, thông qua Huawei và các nhà cung cấp viễn thông khác sẽ trở thành thế lực thống trị mạng 5G trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nước Mỹ hiện thực sự chưa sở hữu được một tập đoàn nào có khả năng cạnh tranh trực tiếp được với Huawei và các chính sách của chính phủ Mỹ vẫn chưa đủ chặt chẽ để chống lại sự ‘bành trướng’ của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông.

Vào hồi đầu năm nay, Tổng chưởng lý William Barr đã đưa ra đề nghị rằng Mỹ có thể mua lại cổ phần của các công ty trong các đối thủ của Huawei tại ở châu Âu như Nokia và Ericsson. Tuy nhiên, lời đề nghị sau đó đã bị Phó Tổng thống Mỹ - ông Mike Pence bác bỏ.

Hương Vũ
Theo CNBC