Nhà hàng “bó tay” với khách ngồi nhờ, đi vệ sinh ké

Vừa bước vào quán, ông khách đã hỏi tìm nhà vệ sinh. Lát sau, ông ra bàn ngồi một lúc, rồi xin phép về với cớ người thân không tới được. Rất nhiều chủ nhà hàng từng “bó tay” trước những ông khách kỳ cục này.

Những khách hàng "củ chuối"

 

Khi nói tới những trường hợp “củ chuối” của khách hàng, chị Nguyễn Thị Hải (chủ một cửa hàng ăn ở khu Trung Tự, Hà Nội) vẫn chưa hết bực mình. Đã bán hàng được gần chục năm, chị Hải gặp nhiều khách hàng, trong đó mệt nhất là phải tìm cách đối phó với những ông khách hay dùng chiêu trò để vào quán ăn “chùa”, ngồi “chùa”, và thậm chí là đi toilet “chùa”.

 

“Đấy mới hôm qua thôi, vừa mở cửa hàng, một ông khách rõ lịch sự vừa bước chân vào quán đã hỏi nhà vệ sinh. Lúc sau, ông ra bàn ngồi, tưởng gọi thực đơn, ai dè ông xin lỗi vì bạn không tới được nên đành xin phép ra về”, chị Hải kể.
 
Nhà hàng “bó tay” với khách ngồi nhờ, đi vệ sinh ké

 

Chị Hải cho biết, thực ra ông khách này đang đi đường ghé vào quán cũng chỉ vì nhu cầu... đi toilet chứ không ăn uống gì. Những vụ kiểu này, chị đã nhiều lần chứng kiến. “Cách đây cũng chỉ vài ngày, có ba thanh niên vào quán. Ngồi một lúc lâu, nhân viên nhà mình đề nghị chọn món thì họ lại kêu chờ bạn. Sau khi uống hết 3 cốc trà đá, họ đứng lên ra về với lý do còn sớm, lát quay lại. Rồi cũng chả thấy tăm hơi họ đâu”, chị Hải kể thêm.

 

Theo chị Hải, sợ nhất là những hôm chưa mở hàng đã phải tiếp thực khách kiểu này khiến cả ngày chị lo lắng, sợ không bán được. Chưa kể trường hợp khách vào không ăn nhưng lại trộm đồ của nhà hàng và người bên cạnh.

 

Đồng cảnh ngộ, chị Lưu Thị Mai (chủ một quán bia ở phố Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, quán nhà chị vào giờ cao điểm rất đông khách, chỉ cần sơ hở là có thể bị ăn không trả tiền. Chị ví dụ trường hợp mới xảy ra hôm nọ, hai vị khách vào ăn. Trong khi chờ thức ăn mang ra, hai người gọi hai chai bia, uống xong phàn nàn với chủ quán là phục vụ chậm. Nhà hàng đã xin lỗi và giục nhân viên chế biến nhanh tay. Tới khi mang thức ăn ra, hai vị khách đã biến mất, để lại hai vỏ chai bia và đĩa lạc chưa tính tiền.

Lần khác, một đoàn khách gần chục thanh niên xồng xộc vào quán đi vệ sinh, uống trà đá miễn phí rồi ra về với lý do nhầm nhà hàng. Theo chị Mai, những trường hợp như vậy khiến chị bực mình mà không làm gì được. Một số khách hàng khác còn trộm tăm, lấy thìa dĩa, khăn ăn của nhà hàng mang về.

 

Khốn khổ vì khách “chùa”

 

Khổ sở nhất phải kể tới các ông chủ quán café khi đối phó với những trường hợp khách tới quán ngồi cả buổi mà chỉ uống nước. Anh Duy Khoa, chủ quán café ở Văn Quán, Hà Đông, chia sẻ, việc khách tới quán gọi đúng một ly nước rồi “ngồi thiền” hàng tiếng, thậm chí cả ngày tại quán, là tình trạng diễn ra thường xuyên.

  

Có những ông khách lịch sự, ngày nào cũng tới quán ngồi cả buổi mà mỗi lần cũng chỉ uống có cốc nước 30.000 đồng. “Tiền cốc nước không đủ bù tiền điện máy lạnh, trà đá miễn phí, trông xe và wifi free, chưa kể tới tiền nhân viên pha chế và đồ uống. Sợ nhất là nhóm vào 5-6 người, chỉ uống hai cốc nước, còn lại xin ngồi nhờ miễn phí và uống nước lọc của quán. May mà cũng chỉ có vài người như vậy, chứ ai cũng như thế chắc quán sập tiệm sớm”, anh Khoa cho hay.

 

Đối phó với những vị khách này không hề đơn giản, bởi nhà hàng luôn phải lịch sự và không thể đuổi khách ra ngoài. Quán café của anh Khoa sau một thời gian đã phải lập password cho wifi và lắp thêm cả camera trong quán để theo dõi những khách có hành động lạ. An Khoa cũng phân công nhân viên theo từng khu vực để phục vụ tốt hơn và quản lý kiểm soát được việc thanh toán tiền của họ.

 

Còn chị Mai kể rằng, để khách không phàn nàn vì chất lượng của nhà hàng, chị niêm yết rõ giá các món trên thực đơn và có phiếu chọn món ngay trên bàn của khách. Bát đĩa khách ăn xong cũng để luôn trên bàn để đối chứng với những khách hàng “củ chuối”.

 

Cùng cảnh ngộ, ông Minh (chủ quán café trà đá vỉa hè ở Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã phải chiêu thanh toán trước, ăn sau như các cửa hàng đồ ăn nhanh vẫn làm bởi trước đây ông đã không ít lần bị khách quỵt tiền.

 

“Có lẽ cách giải quyết tốt nhất đối với tình trạng này là chấp nhận nó như một phần rủi ro của kinh doanh” - anh Minh chia sẻ.

 

Theo D.Anh

VEF