1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà giàu Trung Quốc ồ ạt đổ tiền sắm du thuyền

(Dân trí) - Chỉ trong giai đoạn từ 2006 đến 2011, số lượng du thuyền tại Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần. Dự báo đến năm 2020, nước này sẽ có tới 100.000 du thuyền, gấp hơn 30 lần hiện nay.

Những số liệu đầy ấn tượng trên vừa được công bố trong bản báo cáo thường niên của Hiệp hội du thuyền và du lịch biển Trung Quốc (CCYIA). Theo đó đến năm 2020, quy mô của ngành du thuyền nước này ước tính sẽ có trị giá tới 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,16 tỷ USD). Số lượng du thuyền sẽ tăng từ khoảng 3000 trong năm 2012 lên 100.000 trước năm 2020.

Trung Quốc được dự báo có 100.000 du thuyền trước năm 2020
Trung Quốc được dự báo có 100.000 du thuyền trước năm 2020

Theo tổng thư ký của CCYIA, ông Zheng Weihang, sự hậu thuẫn của chính phủ đối với du lịch biển, hạ tầng phục vụ du thuyền được cải thiện và nền kinh tế tăng trưởng nhanh chính là những yếu tố góp phần vào sự tăng tốc ngoạn mục nêu trên. Ngoài ra các nhà sản xuất du thuyền cũng đang tìm cách để du thuyền trở nên dễ vận hành hơn, khiến khách hàng quan tâm hơn.

“Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, đi thuyền sẽ trở thành một phong cách sống mới cho người dân Trung Quốc đại lục, những người thích tự lái, giống như những gì từng diễn ra tại Hong Kong”, Lars Petersen, tổng giám đốc của Jebsen Marine, nhà phân phối độc quyền của thương hiệu du thuyền Italia Riva và thương hiệu Fairline của Anh nhận định.

Petersen cho rằng ngành công nghiệp du thuyền Trung Quốc vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên, nhưng sẽ nhanh chóng bước sang giai đoạn hai xét về việc sử dụng thuyền, tức là chuyển từ sử dụng cho mục đích công việc sang mục đích giải trí. Điều đó có nghĩa là nhu cầu mua sắm du thuyền cỡ nhỏ và trung sẽ tăng lên.

Cùng quan điểm này, CCYIA nhận định: “Do số người giàu có ngày càng tăng và sự nâng cấp trong mức độ tiêu dùng, nhu cầu đối với các loại du thuyền cỡ nhỏ và vừa sẽ bùng nổ. Quy mô của thị trường du thuyền cá nhân sẽ đạt khoảng 35 tỷ nhân dân tệ trước năm 2020”.

Tính đến năm 2012, thị trường du thuyền Trung Quốc còn khá khiêm tốn khi mới ở mức 1,75 tỷ nhân dân tệ, tương đương 285 triệu USD. Trong đó có khoảng một nửa là các du thuyền hạng sang.

Trung Quốc có tới 1,3 triệu người là triệu phú và là thị trường lớn cho du thuyền
Trung Quốc có tới 1,3 triệu người là triệu phú và là thị trường lớn cho du thuyền

Tính chung trong giai đoạn 2006 – 2011, tốc độ tăng trưởng của thị trường du thuyền nước này đạt 732%, trong khi tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng xa xỉ khác có nhiều biến động.

“Du thuyền hạng sang sẽ dẫn đầu thị trường ở giai đoạn đầu nhưng các thuyền cỡ nhỏ và vừa sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất của ngành kinh tế du thuyền”, ông Zheng khẳng định và cho biết thêm, các du thuyền câu cá cỡ nhỏ và du thuyền phục vụ du ngoạn sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới.

Miếng bánh to, cạnh tranh lớn

Các nhà sản xuất du thuyền nước ngoài đang ngày càng trở nên bận rộn và họ đều muốn nhắm tới thị trường Trung Quốc. Đơn cử như tập đoàn Jebsen Marine tại Hong Kong hiện có kế hoạch mở 8 đại lý tại Bắc Kinh và các tỉnh duyên hải trong vòng 2-3 năm tới nhằm đón lấy nhu cầu sở hữu du thuyền hạng sang.

“Trung Quốc giờ giữ vị trí số 1 trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi, bởi các thị trường mới nổi mà đi đầu là Trung Quốc, đang bù đắp cho sự giảm sút tại các thị trường châu Âu, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế”, Bjorn Ingemanson, chủ tịch tập đoàn công nghiệp và hệ thống động cơ tàu biển lớn nhất châu Âu Volvo Penta cho biết.

Tập đoàn này đã đầu tư 500 triệu nhân dân tệ cho thị trường Trung Quốc trong 3 năm qua, và sự phát triển của thị trường thuyền du lịch Trung Quốc những năm tới sẽ là động lực tăng trưởng chính của Volvo Penta, ông Ingemanson khẳng định.

Dữ liệu của CCYIA cho thấy số lượng du thuyền được nhập về Trung Quốc trong năm 2012 tăng tới 63,27% so với năm trước đó. Trong đó Anh và Italia là hai nhà xuất khẩu chính. Hiện ngày càng nhiều nhà sản xuất du thuyền châu Âu đang đổ vốn mở nhà máy tại Trung Quốc.

Cùng lúc đó, các công ty của Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc mua lại các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2012, tập đoàn sản xuất thiết bị Weichai Holding Group Co Ltd của Trung Quốc đã bỏ ra tới 178 triệu euro (229,53 triệu USD) để mua lại 75% cổ phần tại hãng sản xuất du thuyền hạng sang Ferretti Group của Italia, vốn đang ngập trong nợ nần.

Các thương hiệu hàng đầu khác như Azimut Yachts, Princess và Sessa Marine cũng đang có ý định mở nhà máy tại Trung Quốc. “Đây quả là một nơi tốt cho ngành công nghiệp biển đang khó khăn tại châu Âu, vốn đã sụt giảm 50% so với năm 2008”, ông Ingemanson nhận định.

Thanh Tùng
Theo China Daily