Nhà giàu Trung Quốc lên cơn sốt học lái máy bay, du thuyền

(Dân trí) - Để chứng tỏ mình là người giàu có, sang trọng các triệu phú, tỷ phú Trung Quốc từng không tiếc tiền sắm siêu xe, hay đồ hiệu. Nhưng giờ đây, những thứ đó đã lỗi mốt. Thay vào đó những tấm bằng lái máy bay và du thuyền mới được xem là đẳng cấp.

Xe sang là một cách để thể hiện đẳng cấp trong giới nhà giàu tại Trung Quốc, nhưng với giới siêu giàu thì có vẻ nó đã không còn hấp dẫn. Thay vào đó, chỉ có những tấm bằng lái máy bay hay du thuyền mới cho thấy mức độ giàu có và chịu chơi thực sự. Và nhu cầu thể hiện bản thân ấy đang khiến các trung tâm dạy lái máy bay và du thuyền ở Trung Quốc làm ăn phát đạt.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn sở hữu máy bay
Ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn sở hữu máy bay

Tại thành phố Xu Zhou tỉnh Jiangsu trường đào tạo phi công Kingwing Aviation đang ngày một đông khách muốn học cách tự lái máy bay cá nhân để đi du lịch hoặc tiêu khiển bất chấp mức giá cho mỗi khóa học lên tới 40.000 – 57.000 USD. Mỗi khóa học ở đây kéo dài 6 tháng với học viên thuộc nhiều lứa tuổi nhưng có điểm chung là rất giàu có.

Với không ít người, cảm giác được ở trên đỉnh thế giới hoặc đơn giản là có một cái nhìn toàn cảnh về thế giới xung quanh đã thôi thúc họ đến đây. “Chính cảm giác được ở trên không cùng sự hãnh diện đã đưa mọi người đến đây. Đặc biệt khi thời tiết tốt, bạn sẽ thấy mình như đang bồng bềnh ở trên những đám mây”, học viên Wang Yu chia sẻ.

Trước đây quá trình cấp phép bay ở Trung Quốc rất khó khăn và trong trường hợp được phép cất cánh, các phi công tư nhân chỉ có thể bay vào những ngày phía quân đội không có lịch bay. Nhưng trong năm 2011, Bắc Kinh đã triển khai thí điểm một dự án theo đó việc hạn chế bay dần được nới lỏng ở một số khu vực. Nhiều người đang hy vọng thử nghiệm này sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn quốc trước năm 2015.

Giám đốc Shi Shan Wu của trường đào tạo bay Kingwing's Aviation cho biết: “Sau khi các quy định cho phép bay ở những độ cao thấp ra đời, các học viên có thể bay tới bất cứ đâu họ muốn vào dịp cuối tuần, cũng đơn giản như việc lái một chiếc xe. Do đó ngày càng nhiều doanh nhân sẽ học các khóa lái máy bay cá nhân, đặc biệt tại Jiangsu, Zhejiang hoặc các vùng kinh tế phát triển nơi có nhiều doanh nghiệp với các ông chủ giàu có”.

Để có được giấy phép bay, một học viên cần hòan thành 40 giờ học lý thuyết và thêm 40 giờ bay thực hành. Đối với bằng lái thương mại, phi công cần có thêm 110 giờ bay nữa.

Một cách nữa được các “đại gia” Trung Quốc lựa chọn để thể hiện bản thân đó là sắm du thuyền và tự lái. Tại CLB du thuyền BAFS Yachting, số học viên đến đây học lái tăng gấp đôi sau mỗi năm. Chủ tịch BAFS là John Lee cho biết:

“Nhu cầu học lái du thuyền hiện đã vượt quá khả năng đáp ứng của CLB. Hiện tại chúng tôi đang đào tạo cho khoảng 120 – 130 người. Nhu cầu hiện là vô cùng lớn bởi rất nhiều học viên muốn có bằng lái trước khi mua du thuyền”.

Theo thị giá hiện nay, một chiếc du thuyền dài 24m có giá khoảng 5 triệu USD chưa kể thuế. Mức thuế áp cho du thuyền tại Trung Quốc lên tới 40% nhưng nó không khiến các “đại gia” e ngại. Tại triển lãm du thuyền quốc tế Thượng Hải vừa qua, doanh số giao dịch đã tăng tới 120% so với năm ngoái, đạt gần 350 triệu USD.

Sun Dan Quan cùng con trai Sun Dong Dong mới đây đã mua một chiếc du thuyền và hiện đang học lái cho biết: “Trước đây tôi đam mê xe hơi và xe máy. Nhưng giờ tôi muốn lái du thuyền. Hoạt động này có tính thể thao vào giải trí hơn nhiều”, Dan Quan nói. Còn con ông là Dong Dong thì hồ hởi: “Tôi có thể mời nhiều bạn bè tụ tập trên thuyền. Mọi người có thể ghé lại mỗi dịp cuối tuần hay trong các kỳ nghỉ để cùng nhau du ngoạn trên biển”.

Thanh Tùng
Theo CNA