Nhà giàu Trung Quốc chán xế hộp tậu xe đạp siêu sang

(Dân trí) - Thay vì thể hiện đẳng cấp bằng những xế hộp đắt tiền, ngày càng nhiều người giàu có tại Trung Quốc giờ chuyển sang thú “chơi” xe đạp siêu sang với giá bằng 3 năm lương của người lao động trung bình.

Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới nhưng dự kiến doanh số xe đạp hạng cao cấp sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm trong những năm tới khi loại phương tiện hai bánh này đang dần trở thành biểu tượng của sự giàu có.

Xe đạp hạng sang đang là mốt mới của nhà giàu Trung Quốc
Xe đạp hạng sang đang là mốt mới của nhà giàu Trung Quốc

Yu Yiqun, giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh mỗi ngày vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp yêu thích được sản xuất hoàn toàn thủ công có giá 100.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 330 triệu đồng. “Đây có lẽ là chiếc duy nhất tại Bắc Kinh. Nó giống như Rolls-Royce của làng xe đạp. Rất đẳng cấp và hoàn toàn được sản xuất thủ công”, ông Yu, người sở hữu khoảng 35 chiếc xe đạp cao cấp, chia sẻ.

“Tôi nhớ cha tôi thường chở tôi tới thành phố bằng xe đạp giữa mùa Đông trên quãng đường khoảng 40km trong thời tiết âm 30 độ C. Khi ấy xe đạp là một phương tiện giúp bạn thực hiện giấc mơ tới những nơi xa, với chi phí thấp nhưng đòi hỏi vận động cơ bắp”.

Yu là một trong những người tiêu biểu cho văn hóa xe đạp kiểu mới tại Trung Quốc, nơi những người giàu có quan tâm tới sức khỏe đang ngày một thay đổi lối sống. Không ít người từ bỏ hẳn những chiếc xe ô tô bóng loáng để ra đường trên những chiếc xe đạp hạng sang có giá thậm chí còn đắt hơn cả một chiếc ô tô.

“Nhu cầu các mặt hàng xa xỉ truyền thống như ô tô cao cấp, đồng hồ đã tới điểm bão hòa. Các nhóm người thu nhập cao giờ đây chuyển sang các loại xe đạp cao cấp để chứng tỏ sự độc đáo về gu thẩm mỹ và lối sống lành mạnh”, Zhou Jiannong, tổng giám đốc công ty Rbike Networks Ltd nhận định.

Theo các nhà phân tích, thị trường xe đạp Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 10% trong những năm tới trong đó phân khúc xe đạp hạng sang được dự báo có thể tăng tới 15%/năm. Các công ty cũng đang nhanh chóng bắt nhịp với nhu cầu này khi một nhà cung cấp tại Hong Kong vừa nhận đơn hàng 1000 xe đạp cao cấp từ một công ty tài chính để làm phần thưởng tất niên cho nhân viên.

“Ai cũng chán ngán với các loại quà thông thường như rượu hay thuốc lá. Với những người ở đại lục, xe đạp là một món quà tuyệt vời cho thấy gu độc đáo của bạn”, Adam Wong, giám đốc điều hành công ty Komda Bicycles tại Hong Kong cho biết. Dù từ chối nêu tên cụ thể, ông cho biết một ngân hàng đã đặt mua nhiều xe đạp có giá trung bình 3000 nhân dân tệ, tương đương gần 10 triệu đồng/chiếc.

Thương hiệu thời trang Shanghai Tang cũng háo hức giành một phần trong miếng bánh khi bắt tay với nhà sản xuất xe đạp Colossi Cycling của Hà Lan để thiết kế những chiếc xe dành riêng cho người Trung Quốc. Dự báo nhu cầu của thị trường này lên tới 28 triệu chiếc/năm”.

“Phân khúc xe cao cấp sẽ là động lực tăng trưởng chính với thị trường Trung Quốc. Tại đây, xe đạp không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một thứ mốt”, Terry Liu, nhà phân tích của tập đoàn Fubon Research, Đài Loan khẳng định.

Để nhập một chiếc xe phiên bản hạn chế của hãng Colnago của Ý hay Look của Pháp, khách hàng phải chi khoảng 38.700 USD, tương đương hơn 800 triệu đồng. Con số này gấp 100 lần giá một chiếc Flying Pigeon, loại xe đạp ra đời năm 1950 của Trung Quốc. Dù vậy giá cả không phải vấn đề lớn với những người giàu có tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Với các doanh nhân họ không để ý tới giá cả mà chỉ quan tâm tới chất lượng. Họ có thể lắp ráp chiếc xe từ những bộ phận nhập khẩu theo sở thích và nhu cầu riêng của mình”, Zhang Lei, giám đốc của công ty cung cấp giấy Zhuhai, người đang có dự định chi 10.000 nhân dân tệ để nâng cấp chiếc xe đạp hiện có khẳng định.

Với với Yu, vị giám đốc quảng cáo tại Bắc Kinh, anh vừa đặt mua thêm 4 chiếc xe đạp sản xuất thủ công để thêm vào bộ sưu tập vốn đã có nhiều thương hiệu danh giá: Trek, Bianchi và Colnago. Anh và vợ có tới 2 ô tô nhưng không còn thích lái chúng.

“Tôi luôn mang theo xe đạp khi đi công tác”, Yu nói. “Khi tới Harbin, tôi mang theo một chiếc xe nhỏ có thể gấp lại bởi như vậy tôi dễ dàng dạo quanh thành phố. Khi tới Đại Liên, tôi mang một chiếc lớn hơn vì đó là một thành phố miền núi”.

Thanh Tùng
Theo Sina