Nhà đầu tư Việt Nam nên chú trọng phân khúc khách sạn giá rẻ
(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ với báo chí và các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam ngày 21/7, ông Robert Mclntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: “Các nhà đầu tư Việt Nam nên chú trọng phân khúc khách sạn giá rẻ”.
Bởi theo ông, đây là phân khúc thị trường có khả năng phát triển nhiều ở Việt Nam trong thời gian tới. Ông cho rằng: “Đối với các thị trường phát triển như Việt Nam, vấn đề quan trọng là chiến lược giá”. Và theo ông thì tốt nhất là phân khúc giá từ 20 - 30 USD/đêm.
Cũng theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam thì 65% lượng khách của khách sạn cao cấp (4 - 5 sao) ở Việt Nam đến là vì công việc; còn khách đến để nghỉ dưỡng, du lịch thì ít hơn nhiều.
Ông Robert Mclntosh cho biết: “Bản thân tôi đi du lịch cùng gia đình cũng nhiều lần sử dụng khách sạn giá rẻ với giá từ 15 - 19 USD/đêm nhưng vẫn đạt chuẩn ở Hà Nội và TPHCM”.
Trong khi đó, nhu cầu ở khách sạn của du khách cao hơn rất nhiều so với khách đến Việt Nam vì công việc. Do vậy, đầu tư khách sạn giá rẻ thì nguồn khách ổn định hơn rất nhiều.
Ngoài ra, ông Robert Mclntosh cũng cho biết là trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua (2008 - 2009), công suất phòng của thị trường khách sạn cao cấp ở Việt Nam là giảm mạnh nhất (25%) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính vì vậy, để nâng công suất phòng, trong năm 2009, các khách sạn cao cấp phải giảm giá rất nhiều, điều này ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của nhà đầu tư. Ông cho rằng: “Thị trường này ở Việt Nam có tính biến động cao do thị trường còn non trẻ”.
Mặt khác, một lượng nhu cầu đáng kể trong ngành công nghiệp lưu trú hiện đang hình thành từ khách du lịch là người Việt Nam. Cũng giống như các nước đang phát triển khác, nhu cầu du lịch trong nước ở Việt Nam vẫn là nguồn kinh doanh chính của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng địa phương. Lượng khách lớn này lại chẳng mấy khi quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Tuy vậy, lượng khách nội địa này đang thay đổi nhanh chóng, họ không chỉ có nhu cầu đơn giản như trước đây mà muốn có nhiều dịch vụ hơn từ các cơ sở kinh doanh lưu trú. Như vậy, họ đòi hỏi cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, tiện nghi hơn với giá cả hợp lý.
Ông Robert Mclntosh cho rằng: “Nếu cơ sở lưu trú đạt chuẩn và quản lý tốt, kiểm soát tốt chi phí, thương hiệu và hệ thống phân phối với quy mô phù hợp để hoạt động với hiệu suất cao nhất thì có khi lợi nhuận còn cao hơn cơ sở lưu trú cao cấp”.
Tuy nhiên, theo ông Robert Mclntosh thì điều đáng tiếc ở đây là hầu hết các khách sạn và cơ sở lưu tru đạt chuẩn hiện nay ở Việt Nam vẫn đang được điều hành độc lập, hệ thống quản lý hạn chế, yếu kém về thương hiệu, không có các thiết kế và dịch vụ đạt chuẩn.
Ông Robert Mclntosh nhấn mạnh: “Các chủ đầu tư cần làm việc chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, nhà điều hành và đơn vị kiến trúc tạo ra một sản phẩm có khả năng hoạt động với mức chi phí thấp, khai thác tối đa diện tích sử dụng, hệ thống đặt chỗ trung tâm, tiêu chuẩn hóa phòng, nội thất và dịch vụ. Chắc chắn những điều đó sẽ tối ưu hóa chi phí”.
Một khía cạnh khác của thị trường khách sạn là đầu tư xây dựng và chuyển nhượng. Theo ông Robert Mclntosh thì hiện ở Việt Nam chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng lẫn nhau với các sản phẩm là những dự án nhỏ, tầm trung, chưa có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đây sẽ là xu hướng chủ đạo trong nhiều năm tới.
Do vậy, đầu tư vào các dự án khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng nhỏ, giá rẻ sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong tương lai gần.
Ông Robert Mclntosh nhận định: “Xem xét thị trường du lịch ngắn hạn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nên tập trung vào các dự án phát triển và dịch vụ tiếp cận các khu vực có lượng khách du lịch đang gia tăng. Không ai muốn đầu tư vào sản phẩm mà nguồn thu lợi từ nó đang giảm sút”.
Tùng Nguyên