Nhà đầu tư Việt Nam chưa quen với “bong bóng” và “đổ vỡ”

"Các nhà đầu tư của Việt Nam không hề có khái niệm đối với hai từ “bong bóng” (bubble) và “đổ vỡ” (crash). Nhưng tôi cá rằng, khi ngày càng có nhiều người Việt Nam giàu lên vì chứng khoán thì tiếng Việt cũng sẽ được “làm giàu” với hai từ này", Bill Bonner - phóng viên tờ The Daily Reckoning Australia - nói.

Tờ Thời báo Tài chính viết: “Sau khi thấy các chỉ số cơ bản của sàn giao dịch chứng khoán tăng vọt 249% trong vòng 13 tháng, tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam điên cuồng lao vào cơn say thị trường. Từ sinh viên tới công chức nhà nước và các nhà quản lý doanh nghiệp cũng mang tiền tiết kiệm của mình đổ vào cổ phiếu với giấc mơ thu được lợi nhuận nhanh chóng và khổng lồ.

 

Tình trạng thị trường giá lên của Việt Nam với 107 Công ty niêm yết, được đẩy mạnh một phần do hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư nước ngoài, hăm hở với những thông tin về một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất Châu Á”.

 

Tại sao TTCK Việt Nam lại như vậy? Câu trả lời một phần là Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Nhưng, có một phần quan trọng khác của câu trả lời là: Việt Nam có nhiều tiền mặt và đồng tiền sẽ đi theo hướng nào đang tiến triển tốt.

 

“Thật là điên cuồng” - Jonathan Pincus - kinh tế gia trưởng LHQ tại Hà nội - bình luận. “Tất cả mọi câu chuyện ở Hà Nội đều xoay quanh chứng khoán. Tôi không biết liệu có ai hiểu rõ giá trị của những Công ty, nhưng họ vẫn mua bán những tờ giấy”.

 

Bill Bonner - phóng viên tờ The Daily Reckoning Australia - nhận xét: Cho đến gần đây, người Việt Nam vẫn có xu hướng tích trữ bằng những loại tài sản truyền thống là vàng và bất động sản. Nhưng kể từ năm ngoái, lượng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng gần 4 lần, từ 32.000 lên 120.000.

 

Bill Bonner dẫn tờ Economist số ra tuần này với tựa đề “Chấm dứt kỷ nguyên đổ vỡ” và chỉ bức ảnh minh hoạ. Đó là một con khủng long với những đồng tiền vàng trên cơ thể: “Bạn có thể không cần vàng nữa, bởi những thứ được cho là “bảo vệ” bạn đều đã trở thành quá khứ. Trong kỷ nguyên mới này, không có đổ vỡ, có nghĩa là không phải bảo vệ sự đổ vỡ, có nghĩa là không cần tích trữ vàng”.

 

Vàng là thứ mà bạn mua để tích trữ khi lo ngại tiền giấy không còn giá trị. Và hiện giờ, cái mà bạn đang có không phải là vàng, mà thay vào đó là vô số tài sản giấy, mà giá của nó được định đoạt không tương xứng với giá trị thực.

 

Hãy nhìn vào thị trường Việt Nam: Một Công ty sản xuất dây cáp đồng với số vốn 140 triệu USD. Nhưng làm dây cáp đồng thì không phải ngành kinh doanh công nghệ cao phát triển mạnh. Và hãy tưởng tượng rằng các nhà đầu tư sẽ rút ra, giá trị cổ phiếu mà họ mua không xứng với mức giá mà họ tin tưởng. Lúc đó giá sẽ rớt thê thảm.

 

Những nhà đầu tư non nớt của Việt Nam có thể chẳng có chút kiến thức nào. Họ có khi còn không có khái niệm đối với từ “đổ vỡ” và “bong bóng”. Nhưng tôi cá rằng, tiếng Việt sẽ sớm được làm giàu bởi hai từ này, khi các nhà đầu tư Việt Nam thấy hàng triệu đồng trong tài khoản giấy của mình biến mất lúc nào không hay.

 

Theo TR.M

Báo Lao động