Nhà đầu tư vẫn coi chứng khoán là nơi "mua bán rút nhanh để kiếm tiền"

(Dân trí) - Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, hiện nay thị trường chứng khoán vẫn là nơi nhà đầu tư mua bán rút ra nhanh để kiếm tiền. Theo đó, cơ quan quản lý, các định chế tài chính trung gian và các thành viên thị trường phải làm sao tạo niềm tin cho nhà đầu tư, coi thị trường chứng khoán là nơi giữ tiền, giữ tài sản.

ffaa2-1456472351385.jpg

Nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị ngành chứng khoán diễn ra sáng nay (22/2), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018.

Đáng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định được là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2018 đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86 nghìn tỷ đồng.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của nhiều doanh nghiệp, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa DNNN và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 theo báo cáo thường niên tháng 9 của tổ chức FTSE Russell (Phút-si Rút-sel) công bố ngày 27/9/2018 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực tại thời điểm cuối năm 2018, khẳng định đánh giá khách quan của giới đầu tư quốc tế đối với sự tăng trưởng cả về chất lượng và quy mô của thị trường, góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đạt được nêu trên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn những tồn tại, cần được tiếp tục khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Ông Huệ cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển nhanh, thanh khoản được cải thiện trong các năm gần đây nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, các chỉ số như VN-Index, VN30 còn những biến động bất thường với tần suất dày trong một số giai đoạn nhất định, chứng tỏ khả năng chống chọi với các cú sốc, va đập từ bên ngoài còn hạn chế.

Trong khi đó, quy mô của thị trường so với GDP vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa phát triển. 

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho hay, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng dân số. Nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số, còn thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức, dài hạn, chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty trên thị trường Việt Nam mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây song còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Tính minh bạch trên trên thị trường cần tiếp tục được cải thiện nhiều hơn nữa.

"Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông", ông nói.

Thêm vào đó, vẫn còn nhiều DNNN cổ phần hóa chậm lên sàn, do đó còn chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chí về quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết, ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông.

Đặc biệt, trên thị trường vẫn có những hiện tượng thao túng, nội gián, gian lận, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khung khổ pháp lý còn chưa đầy đủ. Việc thanh kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận và xử lý dứt điểm, nghiêm khắc để răn đe, giữ gìn kỷ cương kỷ luật thị trường còn nhiều hạn chế.

Tại hội nghị, về phía công ty chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI đề xuất, để xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thì phải minh bạch thị trường và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, khiến họ có quyền lợi khi tham gia thị trường.

Theo ông Hưng, hiện nay thị trường chứng khoán vẫn là nơi nhà đầu tư mua bán rút ra nhanh để kiếm tiền. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý, các định chế tài chính trung gian và các thành viên thị trường phải làm sao tạo niềm tin cho nhà đầu tư, coi thị trường chứng khoán là nơi giữ tiền, giữ tài sản.

"Các doanh nghiệp hiện nay chưa đồng hành cùng nhà đầu tư, coi họ là chủ thực sự. Cũng không ít các thương vụ xảy ra trên thị trường khi doanh nghiệp đi huy động vốn ở nước ngoài, một số nhà đầu tư phản ánh việc doanh nghiệp sau khi huy động vốn xong không đồng hành cùng nhà đầu tư, coi nhà đầu tư "là máy ATM", ông Hưng nêu thực trạng.

Ông Hưng đưa ra giải pháp cần phải xây dựng các rổ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số. Còn với nhà đầu tư cá nhân, theo ông Hưng "đây là chỗ đau đầu nhất" bởi nhà đầu tư cá nhân có lượng vốn nhỏ, cần phải hướng dòng tiền của họ đến các quỹ đầu tư chỉ số trung gian.

"Cũng như với nhà đầu tư nước ngoài, họ không sợ thua lỗ mà muốn có môi trường đầu tư công bằng và minh bạch. Phải làm sao hài hoà được họ, không để những người hiểu biết hơn, kiểm soát cuộc chơi hơn lấy được tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ", ông nói.

Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng, cần phải rà soát và có các chương trình cụ thể để xây dựng thị trường chứng khoán có thể cạnh tranh với ngân hàng, đưa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trở thành kênh huy động vốn hoàn chỉnh cho nền kinh tế.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif