Nhà đầu tư nước ngoài thích lĩnh vực ăn uống
(Dân trí) - Dịch vụ lưu trú và ăn uống đang là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng qua, đã có 4,566 tỷ USD vốn cấp mới (20 dự án mới, tổng vốn đầu tư 755 triệu USD) và tăng thêm "rót" vào lĩnh vực này.
Cũng theo báo cáo này, trong 8 tháng đầu năm 2009, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt kinh doanh bất động sản để trở thành lĩnh vực có quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai. Kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 1,875 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Trong 8 tháng qua, đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hoa Kỳ (3,956 tỷ USD); Đài Loan (1,353 tỷ USD); và British Virgin Islands (1,247 tỷ USD).
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, 8 tháng qua, khối doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn trong việc hạn chế nhập siêu của Việt Nam: “Trong khi cả nước nhập siêu trên 5,1 tỷ USD thì trong 8 tháng các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 3,49 tỷ USD”.
Kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu khí) đạt khoảng 18,67 tỷ USD, bằng 79,2% so với cùng kỳ và chiếm 50,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI 8 tháng qua ước khoảng 15,18 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ và chiếm 35,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong 8 tháng đầu năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,453 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt 6,5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2008 và đạt hơn 72% kế hoạch năm. Trong con số này, vốn từ nước ngoài khoảng 5,5 tỷ USD.
Về cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong 8 tháng cả nước có 504 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,625 tỷ USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ.
Tuy vốn đăng ký cấp mới giảm nhưng lượng vốn tăng thêm của các dự án đã đầu tư giai đoạn trước lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2008. Cụ thể có 149 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 4,828 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ.
“Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam” - ông Thắng nhận định như thường lệ.
Đánh giá về tình hình thu hút FDI vào Việt Nam, trong chuyến thăm tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế cho rằng: “Không thể phủ nhận những lợi ích từ thu hút FDI như chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường, tạo các mối liên kết… Việt Nam không có con đường nào khác, cần phải sử dụng FDI để đạt được các mục tiêu phát triển”.
Tuy nhiên ông Sundaram cũng đưa ra khuyến cáo: “Có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, tận dụng nguồn giá nhân công rẻ để tạo ra sản phẩm nhưng ngoài việc đó, họ không đóng góp vào việc nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam”.
Đoàn Trần