Nhà đầu tư nước ngoài lo Việt Nam thiếu điện vào năm 2018
(Dân trí) - Các doanh nghiệp đặc biệt quan ngại đến khả năng thiếu hụt của nguồn cung năng lượng của Việt Nam trong tương lai và khuyến nghị Việt Nam nên tăng giá điện để thu hút thêm đầu tư vào ngành này.
Đánh giá về ngành, nhóm công tác cho rằng, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì giá năng lượng được ghi nhận ở mức thấp.
Thực tế, các doanh nghiệp xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ. Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (với thang điểm tăng dần từ 1 đến 10), 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống.
Nhìn chung, theo nhóm công tác, các nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại lắm về việc giá năng lượng đang có xu hướng tăng dần. Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho việc tiêu thụ điện năng.
“Chúng tôi không thiếu năng lượng, luôn có điện dự phòng với công suất điện 20- 30%. Những lo ngại một số dự án chậm tiến độ có thể khiến khu vực phía Nam thiếu điện trong những năm 2018, 2019 đều đã được Chính phủ tính toán.
Nhóm công tác cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng đối với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện năng lớn. Điều này mang đến không gian chính sách để Chính phủ Việt Nam quyết tâm hơn trong việc đưa ra mức giá năng lượng phù hợp mà không phải lo lắng rằng làm như vậy sẽ gây ra phản ứng ngược bất lợi cho thu hút đầu tư quốc gia.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến khả năng thiếu hụt của nguồn cung năng lượng, đặc biệt quan tâm đến khía cạnh sẵn có và độ tin cậy của nguồn cung hơn là khía cạnh giá. Mối liên kết giữa giá điện thấp và không đủ đầu tư phục vụ năng lực cung ứng cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn để đổi lấy một hệ thống đường điện được cải thiện. Thực tế qua khảo sát cho thấy 60% các doanh nghiệp của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và các nhà máy sản xuất lớn đều sẵn sàng chấp nhận một mức tăng 20% giá điện để đổi lấy nguồn cung ổn định.
Nhóm công tác cũng cho rằng, cần các giải pháp đáng kể và cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng cũng như giải quyết các vấn đề trong thu hút đầu tư tư nhân.Với sự kém hiệu quả như hiện tại trên thị trường năng lượng và những khó khăn của EVN trong việc phân phối các khoản đầu tư thì đầu tư tư nhân cần có một vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo nguồn cung điện cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi mức giá điện lưới cao hơn và nhiều thỏa thuận mua điện (PPA) hơn để khuyến khích đầu tư tư nhân mới cũng như tạo hành lang cho một khuôn khổ pháp lý mới trong đầu tư. Hoàn thành ba mục tiêu kể trên là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, và cần được đưa ra giải quyết trong quá trình sửa đổi Quy hoạch Phát triển Điện 7.
"Để hướng tới mục tiêu tăng giá điện đối với các nhà máy công nghiệp, Việt Nam cần thực hiện bằng cách tăng giá dần dần. Nhìn chung các doanh nghiệp đều sẵn sàng chấp nhận việc tăng giá điện theo thời gian; tuy nhiên, việc tăng giá điện trong một thời gian ngắn sẽ có những hạn chế nhất định mà các doanh nghiệp thực tế có thể chấp nhận được. Mặc dù việc tăng giá điện là thực sự cần thiết, Chính phủ Việt Nam cần xác định và chỉ nên đưa ra một biểu giá điện công nghiệp với mức tăng khoảng 15 đến 20% một năm (với khả năng tăng cao hơn phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát) trong vòng từ ba đến bốn năm tới", nhóm công tác cho hay.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện.
“Chúng tôi không thiếu năng lượng, luôn có điện dự phòng với công suất điện 20- 30%. Những lo ngại một số dự án chậm tiến độ có thể khiến khu vực phía Nam thiếu điện trong những năm 2018, 2019 đều đã được Chính phủ tính toán. Giá điện sẽ được công khai minh bạch để nhà đầu tư yên tâm đầu tư”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Phía đại diện Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, từ năm 2011 đến nay, chưa lúc nào cung ứng điện tốt như hiện giờ với công suất dự phòng luôn đảm bảo mức 25-30% so với nhu cầu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tuỳ từng địa điểm và thời điểm, chất lượng điện có thể chưa ổn định do hệ thống phân phối chưa đảm bảo.
"Chúng tôi đã chỉ đạo EVN đảm bảo vốn để nâng cấp hệ thống truyền tải. Dự báo, khu vực phía Nam từ năm 2017-2018 nguồn điện có thể thiếu, chúng tôi đã giao EVN thực hiện 9 dự án điện để bổ sung nguồn cung cho khu vực này”, Bộ trưởng nói.
Về giá điện, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là giá điện phải theo giá thị trường và có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý. Theo đó, dự kiến đầu năm 2016 sẽ có sự điều chỉnh về giá điện cho đúng với lộ trình tăng giá điện theo thị trường.