1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà đầu tư muốn trả lại hầm Hải Vân sau 12 năm khai thác

(Dân trí) - Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT công ty CPĐT Đèo Cả - cho biết đã đề nghị trả lại công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/7. Lí do vì cơ chế cho việc hoàn vốn cho Dự án là không có.


Hầm Hải Vân đã được đưa vào khai thác vận hành hơn 12 năm (ảnh: Công Bính)

Hầm Hải Vân đã được đưa vào khai thác vận hành hơn 12 năm (ảnh: Công Bính)

Theo ông Thủy, hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.

Theo quy định hợp đồng dự án, sau khi hoàn thành Giai đoạn 1, từ 1/1/2017 nhà đầu tư sẽ được triển khai thu phí để hoàn vốn và có nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.

“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 hơn 1 năm. Việc sửa chữa, nâng cấp và phòng cháy chữa cháy hầm Hải Vân 1 với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu và Kiểm toán nhà nước kiểm toán.

Thi công được 50% hầm Hải Vân 2 và đã ứng gần 300 tỷ cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ 2016 đến nay. Với khối lượng công việc đã thực hiện và chi phí rất lớn như vậy, tuy nhiên đến nay cơ sở, cơ chế cho việc hoàn vốn cho Dự án là không có” - ông Thủy nói.

Lý giải về việc này, ông Thủy cho biết, trạm thu phí Nam Hải Vân không được thu do trạm Bắc Hải Vân đang thu cho dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia đặt ngay tại cửa Bắc hầm Hải Vân, nếu thu trạm Nam Hải Vân thì khoảng cách 2 trạm là 8km.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đã báo cáo Quốc hội không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho đầu tư xây dựng hầm Hải Vân nữa.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ thỏa thuận với Nhà đầu tư về kinh phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân, nhưng đến nay, sau nhiều lần làm việc, Tổng cục đường bộ Việt Nam vẫn chưa xác định được kinh phí để thỏa thuận với nhà đầu tư.

Ông Thủy cho rằng, rủi ro quá lớn cho doanh nghiệp dự án khi đã ứng trước chi phí quá lớn nhưng không được đảm bảo hoàn trả như Hợp đồng ban đầu và không có khả năng lo được chi phí Quản lý vận hành hàng năm được nữa.

“Nó quá sức chịu đựng và quá bất công với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam tiếp nhận lại hầm Hải Vân để quản lý, vận hành từ 01/7/2018” - ông Thủy thông tin.

C.N.Q

Nhà đầu tư muốn trả lại hầm Hải Vân sau 12 năm khai thác - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm