1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà đất, xổ số, dầu thô đóng góp lớn vào thu ngân sách 2021

Trần Kháng

(Dân trí) - Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính cho biết thu nội địa năm 2021 dự toán là 1,133 triệu tỷ đồng nhưng con số quyết toán là 1,313 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ khoản thu nhà đất, xổ số...

Sáng nay (24/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Xổ số, nhà đất đóng góp lớn, thu dầu thô tăng hơn 92%

Liên quan tới nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Tài chính cho biết, tổng số thu ngân sách Nhà nước là hơn 1,358 triệu tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Nhà nước là 1,701 triệu tỷ đồng.  

Bội chi ngân sách Nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP. Bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, cùng với việc từng bước kiểm soát dịch bệnh, từ cuối quý III/2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Về quyết toán thu ngân sách Nhà nước, Chính phủ báo cáo dự toán là trên 1,358 triệu tỷ đồng; quyết toán là 1,591 triệu tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán; tỷ lệ động viên thu ngân sách Nhà nước đạt 18,7% GDP, trong đó thu thuế và phí đạt 15,1% GDP.

Trong đó, thu nội địa, dự toán là 1,133 triệu tỷ đồng; quyết toán là 1,313 triệu tỷ đồng, tăng 179.781 tỷ đồng (15,9%) so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 82,5%.

Thu dầu thô, dự toán là 23.200 tỷ đồng; quyết toán là 44.638 tỷ đồng, tăng 21.438 tỷ đồng (92,4%) so với dự toán, chủ yếu do giá dầu và sản lượng khai thác, xuất khẩu tăng so với kế hoạch.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán là 178.500 tỷ đồng; quyết toán là 216.307 tỷ đồng, tăng 37.807 tỷ đồng (21,2%) so với dự toán do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch và tăng cao so với năm 2020. Số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế phát sinh là 160.798 tỷ đồng, tăng 24.298 tỷ đồng so với dự toán.

Hơn 97.900 tỷ đồng chi cho phòng chống dịch, hỗ trợ người dân 

Về thực hiện các chính sách thu ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, Tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn là 132.418 tỷ đồng, bao gồm: Tổng số các khoản thu ngân sách Nhà nước được gia hạn là 108.426 tỷ đồng; tổng số các khoản thu ngân sách Nhà nước được miễn, giảm là 23.982 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, quyết toán chi ngân sách Nhà nước dự toán là 1,701 triệu tỷ đồng; quyết toán là 1,708 triệu tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán. Trong đó quyết toán chi ngân sách Trung ương là 640.914 tỷ đồng, bằng 91% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1,067 triệu tỷ đồng, bằng 107% so với dự toán.

Về chi thường xuyên, dự toán hơn 1,049 triệu tỷ đồng; quyết toán là 1,061 triệu tỷ đồng, tăng 12.141 tỷ đồng so với dự toán.

Năm 2021, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần tích cực sớm kiểm soát tình hình dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Chi đầu tư phát triển, dự toán là 479.568 tỷ đồng; quyết toán là 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán.

Chi trả nợ lãi, dự toán là 110.065 tỷ đồng; quyết toán là 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán, chủ yếu do số phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 và 2021 thấp hơn dự toán, phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, qua đó làm giảm chi trả lãi cho ngân sách Trung ương.

Báo cáo Chính phủ cũng nêu về bội chi ngân sách Nhà nước. Cụ thể, dự toán là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.617 tỷ đồng (37,7%) so với dự toán. Trong đó, quyết toán bội chi ngân sách Trung ương là 211.650 tỷ đồng, giảm 107.220 tỷ đồng (33,6%) so với dự toán, quyết toán bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng, giảm 22.397 tỷ đồng (90,3%) so với dự toán.

Về tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, dự toán là 608.569 tỷ đồng; quyết toán là 455.927 tỷ đồng, giảm 152.642 tỷ đồng (25,1%) so với dự toán.

Nhà đất, xổ số, dầu thô đóng góp lớn vào thu ngân sách 2021 - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Ảnh: Quochoi.vn).

Hàng nghìn tổ chức, cá nhân sai phạm về tài chính, ngân sách bị xử lý 

Bộ trưởng Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 53/2022 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ.

Về xử lý kiến nghị liên quan đến ngân sách Nhà nước, tổng số kiến nghị liên quan đến ngân sách Nhà nước (không bao gồm các kiến nghị xử lý khác) là 25.396 tỷ đồng. Qua tổng hợp số liệu đến ngày 31/3 năm nay, số các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện là 22.151 tỷ đồng, đạt 87,2% số kiến nghị.

Về xử lý kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách: Trong quá trình kiểm toán ngân sách Nhà nước, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước có 198 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản, bao gồm: 91 kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì của các bộ, ngành, địa phương; 107 kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.

Trong số 91 kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, đến nay, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã hoàn thành 23 kiến nghị; đang triển khai thực hiện 68 kiến nghị còn lại.

Nhiều tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị xử lý hoặc xem xét xử lý. 

Cụ thể, đối với tổ chức, tổng số đề nghị xử lý là 1.444. Tính đến ngày 31/3 năm nay đã xem xét xử lý là 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.

Còn với cá nhân, tổng số bị đề nghị xử lý là 2.735. Tính đến ngày 31/3 năm nay đã xử lý là 2.519 người, chiếm 92,1%; đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.

Nợ công 2021 vẫn nằm trong giới hạn cho phép

Về chỉ tiêu nợ công, đến cuối năm 2021, tổng số nợ công là 3,616 triệu tỷ đồng, bằng 42,65% so với GDP. Trong đó: nợ Chính phủ bằng 38,73% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 3,78% GDP; nợ chính quyền địa phương bằng 0,56% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước là 21,47%.

Như vậy, các chỉ tiêu nợ công năm 2021 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.