Nguy cơ lộ tài sản cá nhân khi ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế?

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Trước lo ngại này, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, ngành thuế không yêu cầu cung cấp tài khoản tiết kiệm và cũng không được yêu cầu cung cấp thông tin đại trà.

Trả lời báo Dân trí về vấn đề này Quy định ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan thuế đang khiến nhiều người lo ngại lộ tài sản và mất quyền cá nhân, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) khẳng định: Ngân hàng thương mại chỉ cung cấp cho cơ quan thuế tài khoản thanh toán chứ không cung cấp tài khoản tiết kiệm, vì vậy người dân yên tâm với bí mật tài chính của mình. 

Nguy cơ lộ tài sản cá nhân khi ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế? - 1

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: Ngành thuế không yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản tiết kiệm, chỉ cung cấp tài khoản thanh toán

Bà Hải cũng khẳng định, hệ thống tra cứu thông tin cá nhân của Tổng cục Thuế sẽ đảm bảo chỉ có người có trách nhiệm, chuyên môn và có thẩm quyền mới được tiếp cận và đều lưu vết từng ngày, giờ, vụ việc để quản lý, giám sát công chức. 

Theo bà Hải, Nghị định 126 của Chính phủ được xem là kết thừa và quy định chi tiết của Luật Quản lý thuế, cụ thể là vấn đề ngân hàng phải gửi các thông tin tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế khi có yêu cầu là trường hợp bắt buộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc thực hiện vẫn chưa thống nhất và nhiều nơi vẫn chưa hiểu cách thức làm việc, thiếu thống nhất. 

Bà này cho rằng, tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế chỉ quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, trong đó chỉ có tài khoản thanh toán, không có tài khoản tín dụng, tiết kiệm. 

"Mọi người hay hiểu nhầm là ngân hàng phải cung cấp các giao dịch định kỳ. Không phải! Quy định của Nghị định 126 là ngân hàng chỉ cung cấp các tài khoản định kỳ của cá nhân, các giao dịch định kỳ khác chỉ khi cá nhân đó có các dấu hiệu vi phạm về thuế. Cơ quan thuế phân tích rủi ro có kết quả, mới yêu cầu đưa đích danh thông tin cá nhân. Cơ quan thuế không được quyền yêu cầu phía ngân hàng cung cấp thông tin đại trà", bà Hải nhấn mạnh. 

Đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Ngành thuế sẽ tiếp cận thông tin có tính chất chọn lọc, không phải tài khoản nào cũng yêu cầu ngân hàng cung cấp đích danh.  

Liên hệ về trường hợp một cá nhân tại TP.HCM được Google chi trả 41 tỷ đồng từ nhiều năm trước, nhưng ông này trốn thuế và bị truy thu, bà Hải khẳng định: "Hình thức vi phạm của cá nhân này là có giao dịch thanh toán với nước ngoài, nhưng không kê khai các nghĩa vụ về thuế, có hành vi trốn thuế, nên cơ quan thuế phải sử dụng các biện pháp để truy thu".  

Vì vậy, để tránh sự vụ trên, việc quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, sàng lọc đối tượng. 

Ngoài ra, theo bà Hải, về mặt chính sách và luật pháp, quy định của Luật Quản lý Thuế và Nghị định đăng ký doanh nghiệp liên thông, người nộp thuế phải khai báo tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Như vậy, quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế thuế tại Nghị định 126/2020 là ngân hàng làm thay cá nhân, không có gì mới. 

Bà Hải cũng khẳng định, những người có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của người dân không phải loại thông tin phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế. Chính vì vậy, người dân có tiền gửi không sợ các thông tin bị tiết lộ. 

Về quản lý thông tin tài khoản thanh toán của ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế, bà Hải khẳng định: "Tôi xin khẳng định khi cán bộ thuế bất kỳ vào tra cứu thông tin thuế đều phải có xác nhận ID và Password, tất cả đều lưu dấu vết trên hệ thống. Vì vậy chỉ người có thẩm quyền, quản lý đối tượng và được quy định chức năng nhiệm vụ mới được tra soát thông tin cá nhân. Hệ thống ID của ngành thuế sẽ lưu vết từng ngày giờ và ai tra cứu cái gì? Và sẽ xử lý đích danh cán bộ thuế cấp dưới lạm dụng quyền hạn". 

Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế cho rằng: "Bảo mật ngành thuế luôn đặt trong tình trạng cao, nếu cán bộ của chúng tôi muốn lấy vì mục đích cá nhân mà không có thẩm quyền, không bao giờ vào được hệ thống". 

Khi được hỏi về việc quản lý qua thông tin tài khoản cá nhân có khiến các đối tượng có động cơ trốn thuế chuyển từ chuyển tiền, sang sử dụng trung gian thanh toán chưa được pháp luật thừa nhận như giao dịch bằng thiết bị thanh toán xuyên biên giới, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số. Điều này khiến chính sách đặt ra có thể bị qua mặt, hoặc lỗi thời? 

Đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Nếu các đồng tiền điện tử được các đối tượng cố tình sử dụng làm phương thức thanh toán, đây là hoạt động ngầm của nền kinh tế, sẽ gây nhiều khó khăn cho quản lý. 

"Với các cá nhân lợi dụng hoạt động kinh doanh qua mạng hay thanh toán qua mạng để trốn thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước khác hay cả các tổ chức quốc tế để phối hợp, xử lý. Bởi đây có thể là các hoạt động trốn thuế lớn, thu lợi phi pháp hoặc rửa tiền", bà Hải cho biết.