1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguy cơ đổ vỡ với đại gia thủy sản

Cuối năm 2008 đầu năm 2009 sản lượng cá tra nguyên liệu vượt quá năng lực chế biến do “nuôi tự phát”, đến nay lại có dấu hiệu rơi vào cơn khủng hoảng thừa công suất chế biến do “bùng nổ nhà máy”, nhiều nhà máy đang nợ như chúa chổm.

 
Điển hình đổ vỡ
 
Nguy cơ đổ vỡ với đại gia thủy sản
Vợ chồng ông Trần Văn Tâm và bà Nguyễn Thị Ngọc Ba ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang), từ tỷ phú cá tra nay đi làm mướn.

Trưa 9/3, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nói, nợ ngân hàng của Cty Cổ phần Thủy sản Bình An (Cty Bình An) thuộc diện bí mật nên không thể tiết lộ.

Tuy nhiên, lần theo thông tin đã biết, con số nợ hàng nghìn tỷ đồng như dư luận bàn tán cũng có cơ sở. Báo cáo kiểm toán tài chính của Cty TNHH Deloitte đưa ra, tính đến ngày 31-12-2010, Cty Bình An có nợ phải trả hơn 1.393 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của Cty lúc đó còn khá êm ả và tháng 6/2011, Cty khánh thành nhà máy sản xuất nước uống collagen.

Nay, chỉ riêng nợ tiền mua cá của dân đã 264 tỷ đồng, theo công bố của TGĐ Trần Văn Trí ở cuộc họp báo chiều 7-3 và Cty đang tính bán doanh nghiệp và tài sản (dự án, đất, xe) để trả nợ.

Vì nhà máy của Cty như một vài doanh nhân trong ngành thủy sản nhận xét là “xây dựng thật”, nên hy vọng thanh toán được nợ nần. Nhiều đối tác của Cty và người nuôi cá tra đang rất khốn đốn.

Tổn thất lớn hơn cho ngành thủy sản, một thương hiệu mới nổi có thể không còn.

Cũng trưa 9/3, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ cho biết, vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Cty TNHH An Khang (Cty An Khang) khởi tố nửa năm trước, đến nay điều tra chưa xong.

Hiện đang phải làm rõ điểm phức tạp nhất của vụ án, nợ của các ngân hàng. Thông tin tại hôm bắt tạm giam 3 trong 5 người bị khởi tố ở Cty An Khang, sáng 8-9-2011, Cty mất khả năng thanh toán khoảng 500 tỷ đồng, nhiều ngân hàng liên quan.

Điều tra bước đầu, những người bị khởi tố đã làm giả 47 bộ chứng từ xuất khẩu cá tra, lập hợp đồng khống mua cá tra, chiếm của ngân hàng gần 400 tỷ đồng.

Còn nợ nhiều người khác, trong đó nợ 23 hộ dân bán cá tra gần 27 tỷ đồng khiến những người này vô cùng khổ sở.

Khi vụ việc đổ vỡ, xảy ra tranh chấp giữa ngân hàng nhận thế chấp và người nuôi cá tra về kho thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu theo lời khai của Cty An Khang “khoảng 30 tỷ đồng”. Nhưng mở kho, bên trong chủ yếu là thùng không với cá phế phẩm.

Trước nữa, đầu năm 2011, DNTN Vạn Hưng ở xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cũng nợ hàng chục tỷ đồng mua cá tra của nông dân khắp ĐBSCL.

Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền

Bất ổn từ các doanh nghiệp chế biến thủy sản chắc chắn chưa dừng ở đó. Tại Cần Thơ, một số “đại gia thủy sản” từng có hàng nghìn công nhân, đang “sống qua ngày”.

Cty T.M từng có hơn 1.000 công nhân, nay thoi thóp. Cty T.N và V.N từng có hơn 2.000 công nhân, nay có nguy cơ phá sản.

Ông Tô Hoàng Mỹ, GĐ Cty TNHH Thủy sản Panga Mekong (Cần Thơ), cho biết khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Ông Mỹ phân tích, kinh tế thế giới khủng hoảng nên thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm từ trên 3 USD xuống 2,8 – 2,9 USD/kg.

Trong lúc, giá đầu vào tất cả đều tăng, từ điện, xăng dầu, vận tải đến nguyên liệu, lương công nhân và lại không vay được tiền của ngân hàng, nếu vay được thì lãi suất cao.

“Chúng tôi làm nhỏ, xuất khẩu một tháng chừng 20 container, nhu cầu vốn khoảng 40 tỷ đồng nên xoay xở được. Chứ lớn hơn là khó khăn”, ông Mỹ nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL hiện có khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra với công suất một năm gần 1 triệu tấn sản phẩm.

Trong lúc, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2011 chỉ xấp xỉ 1,2 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu hơn 600.000 tấn. Bình quân nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất.

Tổng cục Thủy sản nhận xét: “Sự “bùng nổ” nhà máy chế biến cá tra trong những năm qua thiếu kiểm soát đã gây nên mất cân đối cung cầu nguyên liệu. Tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng, đời sống công nhân gặp khó khăn”.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhà máy chế biến phải hoạt động từ 70% công suất trở lên mới hy vọng có lãi.

Có thể thấy, sự lãng phí rất lớn trong đầu tư nhà máy chế biến thủy sản những năm qua, khiến tài chính doanh nghiệp căng thẳng khi nhà nước chủ trương thắt chặt tiền tệ.

Chưa kể những đầu tư lớn khác như viện nghiên cứu, bất động sản... đang đẩy sự căng thẳng tài chính tới hạn chịu đựng.

Năm qua, nhiều doanh nghiệp chế biến đã tìm cách chuyển gánh nặng tài chính lên vai người nuôi bằng cách chiếm dụng vốn.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Châu Phú (An Giang) kể, các doanh nghiệp khi mua thường nợ ít nhất 1-2 tháng.

Mỗi héc-ta nuôi cá tra, khi thu hoạch giá trị từ bình quân hơn 6 tỷ đồng đến cao nhất 15 tỷ đồng (năng suất 500 tấn/ha), vốn của người nuôi bị chiếm dụng rất lớn.

Trong lúc, cũng theo ông Nguyên, nhu cầu vay vốn mỗi héc-ta khoảng 10 tỷ đồng, ngân hàng chỉ cho vay 250-300 triệu đồng. “Bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn thì chúng tôi coi như trắng tay, còn mắc nợ các đại lý giống, thức ăn, thuốc thú y”, ông Nguyên nói.

Đã có không ít người nuôi cá tra rơi vào hoàn cảnh như vợ chồng ông Trần Văn Tâm và bà Nguyễn Thị Ngọc Ba ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang). Ông bà có 6 công đất đào ao nuôi cá tra, thu hoạch bán cho DNTN Vạn Hưng từ giữa năm 2009, đến nay chưa lấy được tiền, phải bán đất trả nợ ngân hàng và dắt nhau đi làm mướn.

Hiện nay, nếu “đại gia thủy sản” không gượng được sẽ có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền lớn. Chủ một doanh nghiệp chế biến dự báo, khoảng 20% doanh nghiệp chế biến khó đứng vững.

Tình hình chế biến và xuất khẩu tôm cũng đang gặp khó khăn. Ở tỉnh Sóc Trăng, Cty P. theo dư luận là nợ hơn 2.000 tỷ đồng và khoảng hai tháng nay tổng giám đốc đã “ra nước ngoài trị bệnh”.

 
Theo Sáu Nghệ
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm