1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gia nhập WTO:

Nguy cơ các thương hiệu Việt sụp đổ hàng loạt

(Dân trí) - "Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một cơ hội vô cùng lớn, các thương hiệu Việt được hấp thụ những tinh hoa thế giới nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ có thể khiến các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt còn non trẻ sụp đổ hàng loạt".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, tại lễ “Tôn vinh Thương hiệu Việt Nam - Trao giải thương hiệu mạnh 2005”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty G7 Mart đã khẳng định.

Xin ông nói rõ hơn về năm nguy cơ này?

84 doanh nghiệp đoạt giải Thương hiệu mạnh 2005

 

Tối qua 10/4, Lễ “Tôn vinh Thương hiệu Việt Nam - Trao giải thương hiệu mạnh 2005” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

 

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã tới dự và chia vui với 84 doanh nghiệp đã được trao giải thương hiệu mạnh 2005.

Chúng ta vẫn hoàn toàn chưa có một đội ngũ doanh nhân, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, và thực sự phù hợp cho cạnh tranh toàn cầu. Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam con rất nặng nề. Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Việt Nam còn có sự khập khiễng. Hệ thống chính sách và pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó ai cũng có thể hiểu sức mạnh to lớn của các tập đoàn đa quốc gia.

Do vậy đây là một cuộc chiến tưởng chừng như không cân sức giữa các thương hiệu Việt và các thương hiệu đa quốc gia khác. Một cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu hóa, bối cảnh mà biên giới giữa các quốc gia giờ đây được xác định là biên giới mềm.

Có ý kiến cho rằng nên xây những thành phố Việt, ngôi nhà Việt ở bên ngoài Việt Nam?

Theo quan niệm riêng của tôi thì đây đang là một cuộc chiến. Chính cái đó chúng ta phải nhận thức cho rõ, các nước họ đã đưa vấn đề thương mại xâm chiếm nước khác. Một học giả rất nổi tiếng của Trung Quốc – ông Tô Ngọc Thành đã nghiên cứu toàn bộ quy trình chuyển động của hàng hóa với văn hóa và ông ta đưa ra một học thuyết gọi là biên giới mềm.

Biên giới ngày nay không chỉ là biên giới không, biển, đất liền, địa giới hành chính. Biên giới ngày nay còn là biên giới hàng hóa, văn hóa. Nên ông ta đưa ra rằng: hàng hóa, văn hóa Trung Quốc ở đâu là biên giới Trung Quốc ở đó.

Nếu nhìn ở Việt Nam, thì Hàn Quốc trong thời gian vừa qua rất thành công trong chuyện này. Thông qua những vấn đề văn hóa, trao đổi giao lưu phim ảnh...họ bắt đầu đưa hàng hóa vào song song cùng các doanh nghiệp.

Hiện nay, lối sống, tư tưởng của Hàn Quốc ở Việt Nam đã có rồi. Mốt môi thâm, tóc hoe vàng, xe hơi, điện thoại, đồ điện tử, thời trang, ẩm thực...tất cả những cái đó đều cho chúng ta thấy.

Vậy chúng ta phải ứng phó như thế nào với cuộc chiến này?

Tôi cho cái này thuộc về nhận thức, trước kia chúng ta trọng về sản xuất. Vấn đề chúng ta hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước bắt buộc chúng ta phải nhìn nhận lại. Chúng ta không thể né tránh được nữa, chúng ta phải xây nhà máy và phải xây thương hiệu với lại xây thị trường...

Đã đến lúc từng nhà sản xuất, từng dịch vụ phải đối diện với cạnh tranh nước ngoài. Qua đó chúng ta phải thể hiện cái tinh thần Việt mới, chúng ta phải khám phá, chinh phục chứ không đơn thuần chỉ là theo sau họ để vận dụng một cách cứng nhắc.

Cái cốt yếu phải xây dựng được nhận thức của dân tộc mình, bằng những nguồn lực khác nhau của mình. Đó là cảm xúc lớn nhất mà chúng ta có thể ghi dấu ấn phát triển nhất của doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng. Muốn làm được như vậy thì Nhà nước - cộng đồng - doanh nghiệp phải là một bộ ba gắn kết.

Ông nghĩ gì khi hiện nay hệ thống bán hàng hầu như rơi vào tay nước ngoài?

Bản thân tôi, rất lo ngại nếu chúng ta không có những qui định chặt chẽ về tỷ lệ hàng nội trong đó bao nhiêu, vấn đề tạo nguồn nhân lực của mình ra sao? Hãy nhìn Metro đàm phán với những nhà sản xuất. Nên nhớ chúng ta cũng là nhà sản xuất, bản thân tôi cũng thấy cực kỳ khó chịu khi họ đòi hỏi chiết khấu càng ngày càng lớn, rồi chuyện khuyến mãi nọ kia...Vậy cuối cùng chúng ta chỉ là những người gia công đúng nghĩa của họ, cái đó rủi ro sẽ là rất lớn.

Có phải G7 Mart đang thực hiện sự gắn kết đó?

G7 Mart thực sự đang là cuộc cách mạng cho cái hệ thống phân phối ở Việt Nam. Hệ thống này tập hợp các nhà bán lẻ, rải rác, cùng nhau làm việc giữ vững mặt trận phân phối.

Bởi quan điểm làm chủ giá trị toàn cầu nằm trong ba phân đoạn: một trong những phân đoạn là tạo giá trị gia tăng để giữ thương hiệu, tức là giữ hệ thống phân phối. Nó là huyết mạch, phải nắm được cái đó nếu không chúng ta sẽ bị lệ thuộc, mãi chúng ta cũng chỉ là đi làm thuê, gia công.

Xin cảm ơn ông!

Phan Tùng (thực hiện)